Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang:
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nắm tốt vấn đề, không né tránh
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang cho biết, nhóm lĩnh vực dân tộc đã được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi, đặc biệt là việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã trả lời đi thẳng vào vấn đề, thể hiện sự bao quát lĩnh vực quản lý. Đồng thời, phần trả lời đó cũng cho thấy trách nhiệm của Bộ trưởng trước cử tri, nhân dân và Đại biểu Quốc hội khi đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh những kết quả tích cực, qua phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội cũng đã nêu ra các bất cập, tồn tại và Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận việc này.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho hay, Uỷ ban Dân tộc phối hợp các cấp, các ngành tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách liên quan để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, có một số chính sách chưa phù hợp thực tiễn, một số dự án chậm giải ngân, thậm chí chưa được giải ngân.
“Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đã không né tránh, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp thời gian tới. Tuy nhiên, để khắc phục các bất cập này, tôi cho rằng sau phiên chất vấn, Bộ trưởng cần có các giải pháp cụ thể, chủ động và quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang đánh giá.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh:
Đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh đánh giá, phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu và cử tri. Bộ trưởng trả lời rõ ràng, nắm được vấn đề, nghiên cứu sâu.
“Tuy nhiên, có một số lĩnh vực thuộc phạm trù đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách nên chưa giải đáp rõ lắm mong muốn của người nghe, cử tri và người lao động, chưa thỏa mãn hết được”, đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh nhận định.
Về nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý đánh giá: Dù lần đầu trả lời chất vấn, nhưng Bộ trưởng nắm vấn đề tốt liên quan đến lĩnh vực được giao và tham mưu. Các vấn đề chính sách cụ thể của địa phương kiến nghị thì đồng chí năm được rất rõ, theo vấn đề và trả lời được vấn đề. Cùng với đó, những vấn đề Đại biểu Quốc hội, cử tri đặt ra, Bộ trưởng nắm được và trả lời rõ ràng
Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thuý đánh giá cao về điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ. “Chủ tịch Quốc hội điều hành sắc sảo, nắm về đề chắc và nhắc nhở đại biểu cũng như tạo không khí cho các cuộc thảo luận. Đồng thời, hỗ trợ được cho Bộ trưởng cân bằng được các tình huống khi vấn đề cao trào quá, tôi đánh giá cao khả năng điều hành và sự dí dỏm trong điều hành công việc của Chủ tịch Quốc hội”, đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình:
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trả lời "trúng" vấn đề
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, về cơ bản, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã trả lời “trúng” vấn đề Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời các vấn đề rất “nóng” hiện nay như rút bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề người lao động mất việc làm, thu nhập của người lao động, hay năng suất lao động thấp. Trong đó, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận đây là việc làm sai, khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.
Đồng thời trong phần giải pháp, Bộ trưởng đã kiến nghị đưa vào Nghị quyết chất vấn kỳ họp này này nội dung cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng đóng bảo hiểm. Tôi cho rằng, đây là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
“Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhìn nhận còn nhiều vướng mắc về thể chế nên người lao động chưa phát huy hết được năng lực, kể cả lao động chất lượng cao. Tôi đồng tình với một số giải pháp dài hạn mà Bộ trưởng đã đề xuất như cần cơ cấu lại thị trường lao động, nâng cao chất lượng bồi dưỡng nguồn nhân lực và hạn chế các ngành thâm dụng lao động”, Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho hay.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội:
Các tư lệnh ngành sớm tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ bất cập trong văn bản luật
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết, các đại biểu chỉ mong muốn các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lớn không phải chỉ cho năm 2023 mà cho cả giai đoạn 2021-2025.
"Nhiều những vấn đề mà tôi quan tâm như việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, giao kế hoạch phân bổ vốn còn rất chậm. Ngoài ra, một số chương trình đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia hay thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã hội còn chậm được giải ngân là do còn vướng mắc ở các văn bản hướng dẫn, một phần là do cán bộ sợ sai, sợ vi phạm nên trì trệ, không linh hoạt, không sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong các Tư lệnh ngành sớm có sự phối hợp, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để có một sự thông thoáng, phù hợp đối với hệ thống các văn bản dưới luật", đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết.
Theo đại biểu, việc làm này cũng nhằm giúp cho các địa phương dễ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tháo gỡ những vấn đề trong thực tiễn đời sống đang đặt ra.
Đối với việc tổ chức thực hiện, theo đại biểu Đỗ Thị Lan, cũng cần phải có một sự quán triệt, hướng dẫn cũng có sự chủ động hơn nữa để các cấp, các ngành, các địa phương có thể linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm hơn để nhằm thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả.