Là một cựu sinh viên và cũng là người đã sinh sống rất lâu ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Thái Hưng đã tạm gác lại công việc Giám đốc du lịch của công ty VT Travel Plus - công ty du lịch đầu tiên và duy nhất của người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ - và cuộc sống riêng để tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hatay.
Cùng với thành phố Adiyaman, tỉnh Hatay cũng là một trong 3 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa động đất ngày 6/2 vừa qua. Trao đổi với phóng viên TTXVN đưa tin từ Hatay, anh Thái Hưng chia sẻ chính sự đồng cảm với nỗi đau, những mất mát to lớn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng với trách nhiệm đối với mảnh đất mà anh đã gắn bó từ rất lâu này là lý do thôi thúc anh quyết định trở thành tình nguyện viên đóng góp vào nỗ lực chung hỗ trợ những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đúng khi đó, đoàn công tác của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang, vừa tự hào, vừa xúc động về lòng nhân ái của người Việt, anh đã không ngần ngại nhập đoàn hỗ trợ làm công tác phiên dịch, qua đó giúp tạo điều kiện tốt nhất để đoàn có thể làm việc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh Thái Hưng cũng chia sẻ khi hay tin anh sẽ làm tình nguyện viên hỗ trợ đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động cứu hộ cứu nạn tại tỉnh Hatay, gia đình, người thân và bạn bè của anh đã không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, anh đã trấn an mọi người rằng sẽ cẩn thận đảm bảo an toàn cho bản thân mình, cũng như cho đoàn, với quyết tâm giúp đoàn công tác đạt được kết quả tốt nhất và an toàn trở về. Anh cho biết bản thân anh cũng như các tình nguyện viên khác đều đã nhận được sự ủng hộ, động viên, thăm hỏi của các đồng nghiệp trong công ty, đặc biệt là anh Nguyễn Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty VT Travel Plus và cũng đang là Chủ tịch Hội người Việt tại Bulgaria - trong quá trình đi làm việc cùng đoàn. Anh cũng bày tỏ cảm ơn các đồng nghiệp trong công ty đã chăm sóc chu đáo gia đình và người thân của anh trong thời gian anh thực hiện nhiệm vụ.
Dù xem nhiều bản tin trước đó trên truyền hình, nhưng khi đến hiện trường, anh Thái Hưng không giấu nổi sự bàng hoàng trước cảnh tượng tan hoang trước mắt, cũng như thấm thía nỗi đau và sự mất mát to lớn của nước bạn. Nhiều người thậm chí mất đi 8-10 người thân. Dưới những đống đổ nát, một số người đã may mắn được cứu, song vẫn còn nhiều người vẫn bị vùi lấp. Dù hy vọng ngày một lụi dần, song nhiều người với ánh mắt chất chứa nỗi buồn sâu thẳm, bần thần chờ đợi để lần cuối cùng nhìn thi thể của người thân được đưa lên. Đấy cũng cũng là văn hóa, phong tục, tập quán của nước bạn.
Đồng hành cùng đoàn tới những địa hình trắc trở, len lỏi vào những ngõ ngách, những đống đổ nát, anh Thái Hưng cho biết đoàn cũng phải đối mặt không ít khó khăn, như xác định chính xác địa điểm nơi người dân bị mắc kẹt trong khung cảnh hoang tàn, đổ nát, hay công tác hậu cần, đảm bảo đồ dùng tác nghiệp cũng như đảm bảo bữa ăn cho anh em trong đoàn vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ chu đáo từ các Ủy ban điều phối, cũng như các quân cảnh hay quân đội nước bạn. Nhiều hôm đoàn không có xe, không có phương tiện, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cử xe đưa đoàn ra hiện trường để thực hiện nhiệm vụ và đón đoàn trở về. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song những người lính Cụ Hồ cũng như các tình nguyện viên như anh Thái Hưng vẫn không nề hà gian khổ, giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Một điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với anh Thái Hưng là tình cảm và lòng biết ơn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với đoàn công tác Quân đội Nhân dân Việt tham gia cứu hộ cứu nạn. Mỗi khi đoàn công tác đến hiện trường, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều rất nhiệt tình chào đón. Chỉ cần nhìn thấy cờ trên áo của của các cán bộ và bộ đội Việt Nam, những người dân địa phương đã biết đây là đoàn Việt Nam và xin chụp ảnh. Nhiều người thậm chí còn nhường đồ ăn, đồ uống cho đoàn, dù tình cảnh của họ vẫn còn rất khó khăn.
Kết thúc cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN, anh Thái Hưng cho biết là một trong những số ít sinh viên đã được đào tạo bài bản tại Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là một số ít sinh viên ở lại định cư tại đây, anh cũng như bao người Việt khác luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ các đoàn công tác Việt Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ tại nước sở tại. Điều này cũng góp phần vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh chia sẻ: "Những người như tôi cũng như các đồng nghiệp trong công ty và những người Việt Nam đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả mọi người đều luôn sẵn sàng làm cầu nối cho các đoàn công tác của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ với mong muốn đảm bảo an toàn cho đoàn và hỗ trợ đoàn thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất".