Cử tri và nhân dân kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng

Theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: TTXVN

Trong phiên họp Quốc hội sáng 21/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Từ sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.459 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Theo đó, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng.

Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động xấu hơn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân; tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em …diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an trong Nhân dân.

Về sản xuất, kinh doanh và đời sống: Cử tri và nhân dân phản ánh còn một số bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm cải cách hành chính hoặc thực hiện còn chậm và kết quả chưa rõ nét. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ trách nhiệm thực hiện, thường xuyên báo cáo, công khai kết quả thực hiện để cử tri và Nhân dân biết và giám sát.

Cử tri và nhân dân một số địa phương phản ánh việc nông dân “không còn thiết tha” với đồng ruộng, môi trường kinh doanh nông nghiệp chưa hấp dẫn, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghiệp chế biến phát triển chậm.

Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo ngại trước tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây hại cho sức khỏe Nhân dân.

Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: H.V

Về y tế, giáo dục và đào tạo: Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh ung thư giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây bức xúc trong Nhân dân.

Cử tri và nhân dân phản ánh và bức xúc về tình trạng người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với bác sỹ, nhân viên y tế.

Cử tri và nhân đề nghị chấn chỉnh công tác xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Phản ánh chất lượng dạy và học ở một số cơ sở giáo dục, trường học còn hạn chế, chạy theo thành tích; việc quản lý đào tạo sau đại học, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo; còn nhiều hạn chế trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và tổ chức thi trung học phổ thông.

Cử tri và Nhân dân một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Về quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường: Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, bất cập, gây bức xúc trong Nhân dân; tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương.

Cử tri và nhân dân vẫn lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương ; việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn ra công khai ở một số nơi.

Ở nhiều địa phương lo lắng, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm các dòng sông như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai - sông Sài Gòn ; việc xả rác thải sinh hoạt, chất thải trong sản xuất, chăn nuôi và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, các làng nghề, khu dân cư vẫn chưa được khắc phục.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm: Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu. Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, trong quản lý đất công; nhiều “dự án treo”, công trình, dự án lớn chưa đảm bảo chất lượng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Một số ngành, cơ quan, địa phương và đảng viên, cán bộ, công chức chưa thực hiện nghiêm các quy định về văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công; nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị: Cử tri và nhân dân nhiều địa phương còn lo lắng trước tình trạng tội phạm giết người, cướp của, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp.

Công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thể hiện rõ nhất là vụ đánh bạc qua mạng internet, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa phương, thu giữ hàng ngàn tỷ đồng. Cử tri và nhân dân bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm.

Cử tri và nhân dân lo lắng, bất an trước tình trạng cháy, nổ xảy ra liên tiếp ở các khu chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và hộ gia đình, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Cử tri và Nhân dân cho rằng, những dự án đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng có quy mô lớn đã và đang triển khai ở khu vực trung tâm các thành phố lớn là nguyên nhân chính làm gia tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, gây tắc đường, ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, cuộc sống, sức khỏe của người dân và ô nhiễm môi trường.

Về kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ: Cử tri và Nhân dân ủng hộ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương. Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để Nhân dân biết và giám sát.

Cùng với những vấn đề đã nêu trên, cử tri và nhân dân còn phản ánh, lo ngại về một số vấn đề như: một số nhóm, cá nhân với danh nghĩa “Hội thánh Đức Chúa trời” lôi kéo, tuyên truyền những nội dung mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở một số địa phương; một số đối tượng lợi dụng chính sách đối với người có công, người bị nhiễm chất độc da cam để “trục lợi”; nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội; việc sử dụng tràn lan thuốc trừ cỏ ở một số tỉnh Tây Bắc...

H.V/Báo Tin tức
Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 cao nhất trong 10 năm gần đây
Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 cao nhất trong 10 năm gần đây

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN