Tại chương trình, các cử tri đã đặt nhiều câu hỏi, chất vấn về các vấn đề bức xúc hiện nay như: việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; chế độ hỗ trợ người dân trong khu cách ly y tế; kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất; công tác chuyển đổi số để phát triển kinh tế; các bất cập về ngập úng đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường...
Đảm bảo các chính sách hỗ trợ đến với toàn dân
Tại điểm cầu quận Liên Chiểu, cử tri Hoàng Cảnh Mẫn (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền đã kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động. Tuy nhiên khi nhận các gói hỗ trợ, ông không biết rõ về nội dung hỗ trợ; việc hỗ trợ chưa được thực hiện, hướng dẫn rõ ràng cho nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách toàn thành phố, HĐND thành phố đã duyệt hỗ trợ 500.000 đồng/hộ cho 100% hộ dân thành phố nhưng thực tế có hộ chưa nhận được tiền.
Giải trình về các chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, thành phố đã triển khai 3 đợt hỗ trợ nhân dân với số tiền 500.000 đồng/hộ. Trong đó, đợt 1 và 2 chỉ hỗ trợ các hộ dân thuộc diện chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, còn đợt 3 hỗ trợ tất cả những trường hợp còn lại. Tuy nhiên thời gian khảo sát để triển khai hỗ trợ đợt 3 rất ngắn, các địa phương không đủ thời gian khảo sát hết nên còn thiếu một số hộ. Tới đây thành phố đã thống nhất sẽ rà soát, bổ sung thêm các hộ còn thiếu (dự kiến hơn 37.000 hộ) để tiếp tục hỗ trợ. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đang làm tờ trình, rà soát để triển khai đợt hỗ trợ mới đối với các đối tượng là thợ xây, ngư dân, người sửa xe, người bán hàng rong, người buôn bán vỉa hè, lái xe công nghệ...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý UBND thành phố và các sở ngành, cần tiếp tục quan tâm, rà soát các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo không bỏ sót một đối tượng nào. Thực tế qua triển khai số liệu hộ khẩu không khớp. Theo thống kê đã hỗ trợ toàn bộ hơn 400.000 hộ dân trong thành phố nhưng đến nay qua rà soát còn thiếu khoảng 37.500 hộ. Thời gian tới, HĐND thành phố dự kiến hỗ trợ thêm với tinh thần không để hộ dân nào bị bỏ sót, không được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, việc thông tin các chính sách cần đơn giản, dễ hiểu để người dân có thể kiểm tra, giám sát. UBND thành phố cần định nghĩa rõ ràng thế nào là “hộ dân khó khăn do COVID-19”, cần có các tiêu chí cụ thể để các Tổ trưởng, Trưởng Ban điều hành khu dân cư nắm rõ, triển khai hiệu quả. Đồng thời, các cấp chính quyền cần lưu ý có phương án kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là các chứng từ có liên quan trong việc cấp phát quà hỗ trợ; kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Sớm khôi phục kinh tế, xã hội
Về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cử tri Phạm Bắc Bình, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng quan tâm đến các phương án mà thành phố dự kiến đưa ra như hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng tại Khu công nghệ cao và Các khu công nghiệp, Khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ 6 tháng tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn để tái hoạt động, sản xuất kinh doanh từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng. Ông Bình kiến nghị đẩy nhanh công tác hỗ trợ, giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm tiếp cận được chính sách để tháo gỡ các khó khăn trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cử tri Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, một trong những cơ hội để tìm ra hướng đi mới phát triển nền kinh tế là thực hiện nhanh công tác chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, từ đó bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện. Ông Lê Trí Hải quan tâm đến định hướng những biện pháp, giải pháp của thành phố Đà Nẵng để thực hiện việc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Về vấn đề khôi phục và phát triển du lịch, theo cử tri Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch của thành phố đã và đang bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề liên quan và kéo theo nhiều lao động bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị phá sản. Ông Cao Trí Dũng kiến nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh các giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch cũng như chuẩn bị sẵn các kế hoạch trung hạn và dài hạn (như khôi phục, phát triển các doanh nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các biện pháp kích cầu du lịch; việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới; nâng sức bền ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh…), nhất là trong bối cảnh người dân đã có hộ chiếu vaccine và các đường bay khai thác du khách nước ngoài đã từng bước khôi phục trở lại.
Về các vấn đề cử tri nêu, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cấp chính quyền thành phố tăng cường tuyên truyền, triển khai nhất quán, đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của thành phố đối với doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình HĐND thành phố tại Kỳ họp cuối năm 2021. UBND thành phố đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh, cắt giảm các quy định không cần thiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Về du lịch, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng ngành du lịch cần xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo từng giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, bám sát kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể của thành phố, chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu du lịch; tập trung duy trì tốt công tác phòng, chống dịch gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Đà Nẵng là điểm đến “An toàn - Hấp dẫn”; xác định công tác tiêm vaccine là chìa khóa và là đòn bẩy để khôi phục du lịch.
Đồng thời, chính quyền thành phố cần tiếp tục xác định công tác chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và lâu dài, là một trong những giải pháp để sẵn sàng “sống chung với dịch” và là “nền tảng bền vững” để thực hiện mục tiêu kép, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.