Cử tri tâm đắc câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 29/9, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về thực hiện quy hoạch đất đai, kết quả triển khai việc giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường… đã thu hút sự quan tâm của cử tri qua theo dõi tường thuật trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


* Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai

Cử tri Nguyễn Văn Dũng (cán bộ địa chính phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết rất tâm đắc với nhiều câu hỏi của đại biểu về tình trạng sử dụng đất lãng phí và việc xử lý tại các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2013, tại 63 tỉnh, thành phố có 8.909 tổ chức vi phạm với diện tích lên tới 137.651 ha. Theo anh Dũng, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc quản lý, sử dụng đất đai cần được tổ chức thực hiện chặt chẽ, tạo điều kiện cho sản xuất kinh tế; đồng thời đáp ứng các yêu cầu an sinh xã hội của đất nước.

Để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là người đứng đầu các địa phương. Vì vậy, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra vi phạm.

Cũng từ thực tế, cử tri Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư và cả quy trình xét duyệt, cấp đất để đảm bảo tính khả thi của dự án, không để tình trạng nhiều chủ đầu tư không có năng lực nhưng vẫn được giao đất, cho thuê đất.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các dự án sau khi đã giao đất, cho thuê đất từ trước và sau khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để kịp thời phát hiện các vi phạm, có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết và dứt điểm, không để xảy ra tình trạng lãng phí đất đai kéo dài.

Đề cập đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký thống kê đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, công tác này vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, nhất là một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy (như đất tại các dự án nhà ở, các chung cư mini và đất sản xuất của doanh nghiệp), hay tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận.

Ông Nam kiến nghị, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thống kê các trường hợp tồn đọng; giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận gắn với việc bố trí kinh phí cho từng huyện, xã để thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cũng như công tác kiểm tra, chỉ đạo.

Chính phủ cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, ưu tiên cho các xã, huyện có số lượng chưa cấp giấy lần đầu, các xã đã dồn điền, đổi thửa, các xã đã sử dụng các tư liệu có độ chính xác chưa cao để cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận…

* Cần quy hoạch khai thác khoáng sản

Cử tri Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, các các đại biểu Quốc hội ở địa phương đã đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề bức xúc của từng địa phương và Bộ trưởng đã trả lời rất trách nhiệm.

Song, theo ông Dương, tình hình quản lý nhà nước về đất đai, khai thác khoáng sản trên bình diện chung cả nước còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân do phát triển kinh tế thị trường có những thời điểm cao trào, những năm trước đây rầm rộ khai thác khoáng sản, đầu tư khu dân cư, bất động sản cũng rầm rộ, tuy nhiên với khó khăn kinh tế trong những năm gần đây phát sinh nhiều vấn đề. Khai thác khoáng sản nhiều nhưng biện pháp khắc phục ô nhiễm thì không được quan tâm nhiều, dẫn đến những hệ lụy.

Cử tri Nguyễn Tầm Dương cho biết thêm: Thời gian qua, Bình Dương cũng tham gia rầm rộ vào quá trình khai thác khoáng sản, phát triển các dự án, lấy đất xây dựng khu dân cư. Tuy nhiên, tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh, cụ thể là có quy hoạch về lĩnh vực khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng của tỉnh cho những năm tiếp theo.

Theo cử tri, quan điểm không phát triển tiếp, hạn chế khai thác khoáng sản là chủ trương đúng đắn, bởi trên cơ sở thống kê theo dõi, hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp vào ngân sách tỉnh là không lớn, nhưng những nơi khai thác khoáng sản thường để lại hệ quả về môi trường, hư hỏng đường giao thông… Cử tri bày tỏ đồng tình về quy hoạch khai thác khoáng sản, cần thiết thì khai thác, không nên khai thác ồ ạt, để khoáng sản dành cho các nhu cầu tương lai.

* Đề xuất giải quyết vướng mắc

Cử tri Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng: Nhiều nội dung liên quan đến đất đai, khoáng sản, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn quá nhiều vấn đề giải quyết.

Luật Khai thác khoáng sản có hiệu lực năm 2011, còn Luật Đất đai 2013, mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Hiện vẫn còn những các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong quá trình soạn thảo, tham mưu. Như vậy, việc xử lý, giải quyết các vấn đề đang đặt ra ở cấp địa phương đương nhiên có những vướng mắc. Để giải quyết các vướng mắc này cần phải có thời gian.

Cử tri Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ có biện pháp xử lý hợp lý đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Thông tư ngày 29/6/2011 của Bộ Tài chính quy định: Hộ gia đình, cá nhân đã kê khai và nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển mục đích đất đang sử dụng không phải đất ở sang đất ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 1/3/2011 (ngày Nghị định số 120 của Chính phủ có hiệu lực thi hành) thì áp dụng thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định 120 của Chính phủ có hiệu lực.

Tuy nhiên, ngành thuế lại không áp dụng văn bản trên mà áp dụng Công văn số 1173 ngày 14/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ thu tiền sử dụng đất 40% đối với diện tích trong hạn mức giao trước ngày 15/10/1993, giao đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 thu 50% đối với diện tích trong hạn mức không kể trường hợp nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển mục đích đất đáng sử dụng không phải đất ở sang đất ở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước hoặc sau ngày 1/3/2011...

Theo cử tri Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành liên quan cần chỉ đạo cụ thể, sâu sát để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ, phát triển rừng với mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, có sơ sở, qua đó, đưa ra các giới hạn, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể độ che phủ rừng trong từng giai đoạn, cho từng vùng và cả nước.

Đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách, chế tài cụ thể để thực hiện đồng bộ, thống nhất với từng loại rừng, từng loại chủ rừng cả về đầu tư cho rừng từ nguồn vốn của Nhà nước, vốn của chủ rừng của các tổ chức khác gián tiếp hưởng lợi từ rừng và ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng…

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, cử tri Nguyễn Văn Dũng (cán bộ địa chính phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, một số địa phương chưa xem xét đầy đủ khía cạnh pháp lý và thực tế vụ việc, chưa quan tâm đến việc hòa giải. Một số vụ phức tạp, đông người, tồn đọng kéo dài chưa được người đứng đầu đối thoại trực tiếp nên chưa có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý để chấm dứt khiếu nại.


Phóng viên TTXVN tại các địa phương
(thực hiện)
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN