Tại buổi tiếp xúc, ông Vương Quốc Thắng, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã thông báo đến cử tri những thành quả mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong 9 tháng năm 2022; một số hoạt động Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay; nội dung Quốc hội sẽ làm việc, bàn thảo trong kỳ họp thứ 4 tới.
Cụ thể, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 20/10 - 18/11/2022. Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và 3 nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại buổi tiếp xúc, đã có 10 cử tri phát biểu ý kiến trực tiếp và 2 cử tri gửi văn bản đến Đoàn đại biểu Quốc hội phản ánh những bức xúc, các vấn đề, sự việc tồn tại đang gây bức xúc trong dư luận. Trong đó tập trung vào các vấn đề về chế độ chính sách cho người có công; giải quyết các khúc mắc về đất đai; chính quyền các cấp cần sơm xác định được cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiến tự nhiên của tỉnh để người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định sản xuất, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới...
Cụ thể, cử tri Thái Văn Lữ ở xã Quế Phong kiến nghị: Thời gian qua, diện tích rừng phòng hộ đã bị khai thác hết và được trồng bằng keo dẫn đến mỗi mùa mưa lũ, rừng keo do chỉ trồng khoảng 4 - 5 năm là khai thác, không có chức năng phòng hộ, phòng chống lũ lụt, thiên tai đe dọa đến sản xuất của người dân. Đề nghị chính quyền các cấp của tỉnh, huyện và xã sớm tìm ra giống cây trồng thích hợp để thay thế cây keo cho người dân canh tác phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai, ổn định cuộc sống. Bêm cạnh đó, chính sách giải quyết thâm niên cho các giáo viên từ 1992 trở về sau là bất cập đối với các thế hệ giáo viên làm việc trước năm 1992, đề nghị Quốc hội xem xét, giải quyết chế độ cho các giáo viên này.
Cử tri Mai Thanh Hinh ở xã Quế Phong, kiến nghị: Chính phủ và tỉnh cần quan tâm đầu tư, có các chương trình để phát triển Quế Sơn tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh để huyện đồng hành với sự phát triển chung của tỉnh và của cả nước. Bên cạnh đó, Đảng, Chính phủ và tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phòng, chống tham nhũng, cửa quyền của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, để tạo niềm tin cho nhân dân vào sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển. Đảng và Nhà nước cũng cần có chế độ hợp lý hơn với cán bộ cấp xã, bởi hiện nay chế độ không tương xứng với công việc và trách nhiệm của cán bộ cấp xã.
Tại buổi tiếp xúc, ông Lê Văn Dũng đã yêu cầu lãnh đạo chính quyền, sở, ngành các cấp trả lời thấu đáo, cặn kẽ và hợp tình hợp lý cho nhân dân. Đánh giá cao các ý kiến xác thực, xác đáng của cử tri, ông khẳng định, các ý kiến liên quan đến huyện Quế Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ giao cho huyện sớm giải quyết. Những kiến nghị liên quan đến tỉnh Quảng Nam, Đoàn sẽ có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và giải quyết thỏa đáng.