Đó là nhận xét của ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, sau khi theo dõi phiên thảo luận sáng 8/11 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Theo ông Đoàn Minh Long, những tháng cuối năm 2021, Trung ương cần tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Bên cạnh đó, Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả “ngoại giao vaccine”, tìm kiếm nguồn viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ việc phòng, chống dịch COVID-19… Qua đó, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Thạc sĩ Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa cho rằng, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị đình trệ; chi phí về nguồn nguyên liệu đầu vào, chi phí xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2, vận chuyển hàng hóa… đều tăng cao, khiến chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy. Trong khi đó, việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua chưa kịp thời.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó dịch COVID-19. Từ đó, trao trách nhiệm, quyền hạn và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho doanh nghiệp; đồng thời, cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự tổ chức xét nghiệm, cách ly… Nhà nước có chủ trương cụ thể về bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, Trung ương thực hiện đột phá trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ toàn diện, tạo cơ hội để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyệt đề xuất, Trung ương cần nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để doanh nghiệp sớm nắm bắt thời cơ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Nhà nước xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp từ 3% trở lên; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức giảm 30% như hiện nay; giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong các năm 2021 – 2022; giảm 50% phí Công đoàn...