Cùng với việc chia sẻ thông tin một cách ngắn gọn, khá rõ ràng, "Tư lệnh" ngành Xây dựng đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng khó khăn, vướng mắc chủ quan và khách quan, đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ có tính khả thi, cả trước mắt cũng như lâu dài để xử lý những tồn tại, đáp ứng được những mong mỏi của cử tri, nhân dân trong công tác quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội, quản lý thị trường bất động sản, tiến độ di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội hay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng…
Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng nhà ở xã hội, cử tri Phạm Thanh Hoài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn nhận, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở xã hội dành cho người dân thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo cử tri Phạm Thanh Hoài, nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua còn thiếu hụt rất lớn, nhất là ở các đô thị lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu an cư của hầu hết người dân còn khó khăn về tài chính, nhất là công nhân lao động. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng và các địa phương cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, giảm giá bán nhà giúp người dân thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, các khu nhà ở xã hội nói riêng hay khu đô thị nhà ở nói chung cần được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng; xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc duy tu, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
"Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những ách tắc, tồn tại về phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, giúp người lao động an tâm làm việc, sản xuất", một cử tri tại quận Thanh Xuân bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến thực trạng quy hoạch "treo" và tình hình vi phạm trật tự xây dựng còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, đặc biệt là việc thanh kiểm tra còn chưa kịp thời, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để. Để khắc phục những tồn tại kéo dài này, luật sư Nguyễn Thái Hòa (Văn phòng Luật sư Sông Hương - Đoàn Luật sư Hà Nội) kiến nghị, Bộ Xây dựng cần tập trung hoàn thiện thủ tục về xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường trách nhiệm của địa phương và từng cán bộ trong thực thi công vụ. Bởi thực tế hiện nay, việc xây dựng không phép, trái phép, sai quy hoạch còn nhiều ở khu vực nội thành, nhưng không được ngăn chặn kịp thời gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc trong nhân dân.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thái Hòa, để quản lý và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các thể chế pháp lý để chống tình trạng "đầu cơ"; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch từng dự án và thực hiện nghiêm túc việc mua bán thông qua các sàn giao dịch bất động sản, tránh tình trạng dự án "ma"; đồng thời chủ động tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý để giải quyết dứt điểm dự án "treo" cùng với các chính sách ưu đãi về vốn để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển thị trường bất động sản.
Luật sư Nguyễn Thái Hòa cũng đề cập đến những thách thức rất lớn về cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp; cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý (chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án); chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường; giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân; các giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến. Vì vậy, trong tương lai, nếu không quản lý tốt, không hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan sẽ dẫn đến phát sinh các tố cáo, tranh chấp, tạo ra hệ lụy xấu cho nền kinh tế.