Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
“Nội dung câu hỏi của các đại biểu ngắn gọn, súc tích, nhiều vấn đề nóng được đông đảo cử tri cả nước quan tâm, nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp; thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản… Điều này cho thấy, các đại biểu đã có sự chuẩn bị chu đáo cho phiên chất vấn. Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đăng đàn trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng trả lời tự tin, đi thẳng vấn đề, đáp ứng mong muốn của đại biểu, cử tri. Với những hạn chế, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nguyên nhân, phương hướng giải quyết trong thời gian tới”, cử tri Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.
Cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp được đề cập trong buổi chất vấn, bởi Bắc Ninh là địa phương phát triển công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân, người lao động. Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, lượng người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở trên toàn tỉnh khoảng hơn 230 nghìn người và gần 150 nghìn công nhân, lao động đang lưu trú tại đây. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội tương đối lớn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 51 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất khoảng 156,93 ha với 46.290 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho gần 190 nghìn người, trong đó có 22 dự án đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 114 nghìn công nhân và 29 dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở cho trên 75 nghìn người. Tuy nhiên, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân bán, cho thuê mua còn chậm do đa số công nhân ngoài tỉnh với tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí, việc làm, do thu nhập thấp và chưa có thói quen ở nhà chung cư cao tầng. Các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, còn chưa thu hút được nhà đầu tư do tổng mức đầu tư lớn mà thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cử tri Nguyễn Tuấn Dũng kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội như người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức... được mua, thuê nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp do một số dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp nhưng công nhân làm việc tại đây đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại dự án ít. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị cần bổ sung nhóm đối tượng là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội...
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần bổ sung cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi đối với nhà ở xã hội "chỉ để cho thuê" vì hiện nay việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê không thu hút được các nhà đầu tư do thời gian thu hồi vốn kéo dài, trong khi tổng mức đầu tư lớn, đây là phân khúc thu hút nhu cầu lớn của công nhân và người lao động (hơn 90% công nhân chỉ có nhu cầu thuê vì đa số công nhân trong các khu công nghiệp là công nhân ngoại tỉnh).
Tháo gỡ khó khăn để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội
Liên quan đến vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, hiện là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ vui mừng khi trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động đã được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận; qua đó cử tri đã nắm được các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, theo cử tri Nguyễn Thị Phú, thực tế nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn nhưng các dự án nhà ở còn hạn chế. Đặc biệt, so với mức thu nhập của công nhân lao động, giá nhà ở xã hội vẫn còn cao, thủ tục xác minh mua nhà và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ về nhà ở còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cử tri mong muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để người lao động có điều kiện tiếp cận với nhà ở xã hội.
Đại diện chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cử tri Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Giáo dục Đông Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cho rằng khi xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được phê duyệt, giảm tiền thuế giá trị gia tăng, miễn giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp… Những sự hỗ trợ đó là rất quan trọng.
Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng nhà ở xã hội, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chủ trương yêu cầu chủ đầu tư phải dành 20% quỹ căn hộ để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, trong khi doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chỉ được lợi nhuận tối đa 10% cả công trình. Với chung cư Đông Dương (dự án do Công ty là chủ đầu tư), sau hơn 1 năm công trình đi vào sử dụng, số căn hộ trong số 20% quỹ căn hộ phải để lại cho thuê này vẫn chưa có người thuê nên vừa gây lãng phí vừa gây áp lực tài chính cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ưu đãi và mất nhiều thời gian xác minh đối tượng mua nhà, đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh. Vì vậy, cử tri mong muốn các bộ, ngành, Quốc hội cần sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề trên..