Theo chuyên gia này, khả năng cả năm 2024, kinh tế Việt Nam có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng lạc quan vẫn có sự phân hóa trong dự báo của các doanh nghiệp, do sự phục hồi chưa đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế. Thực tế, trong tháng 9, vẫn có 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 40,5%, 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,8%, cho thấy áp lực đối với doanh nghiệp vẫn lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận định, còn nhiều rủi ro và thách thức tồn tại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, do đó, cần những bước đi chiến lược, triển khai giải pháp phù hợp để kích thích, tận dụng cơ hội, vững vàng vượt khó khăn, phát triển bền vững.
Để tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên gia Nguyễn Vinh Phú cho rằng, cần sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau để cùng tạo thành chuỗi, đáp ứng yêu cầu cao, khắt khe của thị trường công nghệ mới nổi cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và cả nước còn chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí và phương pháp đánh giá hoạt động của các cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng như cơ chế phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng cần chú trọng vào lĩnh vực công nghệ cao - công nghiệp xanh - phát triển bền vững. Đặc biệt, cần sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau cùng tạo thành chuỗi, cụm chi tiết có thể đáp ứng yêu cầu thị trường, gia tăng khả năng cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Quốc hội đề ra, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp và chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí, chính sách đảm bảo giúp người dân bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra sớm ổn định cuộc sống, tập trung vào sản xuất, kinh doanh.
Việc các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con bị ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi) gây ra thời gian vừa qua là hợp lý. Ngoài ra cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, phục hồi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tăng trưởng.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại thảm len Nam Bình cho biết, bão số 3 vừa qua gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn và thiếu chính sách hỗ trợ. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực; nghiên cứu hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.