Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) Khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, một nghị quyết, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác. Về giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH sẽ xem xét, thảo luận khoảng trên 20 báo cáo thuộc các lĩnh vực. Trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo này, QH dự kiến sẽ thông qua các nghị quyết như Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014... Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Hơn 1.700 ý kiến gửi tới Quốc hội
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Huỳnh Đảm cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Phần lớn các ý kiến của cử tri cả nước đều cho rằng những tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nước biển xâm mặn, lốc xoáy, mưa đá… gây thiệt hại ở nhiều nơi, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lạm phát bước đầu được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm, nền kinh tế có chiều hướng phục hồi; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững; các tầng lớp nhân dân cả nước sôi nổi tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Toàn cảnh khai mạc kỳ họp thứ 5. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân; nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, chúng tôi hoan nghênh QH đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng như việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp kéo dài thời gian góp ý đến hết tháng 9/2013. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, rộng khắp trong toàn xã hội, thu hút được sự quan tâm và sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo UBTW MTTQ Việt Nam, bước đầu các cơ quan chức năng đã tập hợp được hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân, qua đó đã huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp, góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, đồng thời tăng cường sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thực sự thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, ông Chuân cũng cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan; một số nơi in, phát Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt. Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới QH; kiến nghị QH phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, cử tri phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) kiến nghị.
An sinh xã hội được bảo đảm
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 QH Khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã có Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách năm 2012 và tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách những tháng đầu năm 2013.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Doãn Tấn -TTXVN |
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm và cơ bản được bảo đảm. Đã tạo trên 475.000 việc làm mới, đạt 29,7% kế hoạch và tăng 9% so với cùng kỳ. Số người đăng ký và nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Quan tâm giải quyết, hỗ trợ chế độ cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản… Chính sách đối với người có công được tích cực thực hiện. Đến nay, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đã ban hành và tích cực chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với 71.000 hộ trong năm 2013. Để bảo đảm an sinh, Chính phủ đã xuất gần 40.000 tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt. Đồng thời, triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%. Thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tích cực triển khai công tác bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi…
Bốn tháng đầu năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,41% so với tháng 12/2012, đạt mục tiêu đề ra là thấp hơn cùng kỳ năm trước (2,6%) và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua… Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2-3%/năm so với cuối năm 2012, dư nợ tín dụng đã tăng trở lại, tính đến cuối tháng 4 tăng 2,11%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, xuất khẩu 4 tháng đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) tăng 26,4%... |
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường tiếp tục có bước tiến bộ như: Tích cực triển khai Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung phát triển giáo dục nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; xây dựng, củng cố và mở rộng gần 13.500 trường mầm non ở hầu hết các địa bàn dân cư trong cả nước. Bên cạnh đó, chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt kết quả thiết thực; hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng một số trường đại học xuất sắc cũng được đẩy mạnh…
Trong lĩnh vực y tế, đã tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao y đức. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, nâng tổng số người tham gia lên trên 60 triệu… Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đã hoàn thành việc xây dựng Đề án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, tài nguyên nước, bảo vệ và phát triển rừng.
Hoạt động tái cơ cấu kinh tế bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư và sớm phân bổ kế hoạch vốn năm 2013 và đẩy nhanh giải ngân cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Đồng thời, tăng cường thu hút vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ đã phê duyệt 40 đề án tái cơ cấu DNNN, xây dựng và phê duyệt Điều lệ tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính theo phương án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu đối với những ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Thực hiện lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; rà soát, sửa đổi bổ sung, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng lãnh thổ…
Sẽ lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm với đại biểu Quốc hội
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Huỳnh Đảm cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh việc QH ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, Hội đồng nhân dân, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đây là lần đầu tiên QH tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, vì vậy cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu QH nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ QH cũng cho biết: Cử tri cả nước rất hoan nghênh QH lần này đã đổi mới, đó là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Cử tri mong muốn các đại biểu QH phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, thể hiện hết chính kiến của mình, trên cơ sở đó, làm sao giám sát được hết hoạt động, thực thi nhiệm vụ quyền hạn, đạo đức lối sống của người đại biểu QH. Đây là mong muốn tha thiết của cử tri cả nước.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hiền, trong thời gian qua, Ủy ban thường vụ QH đã chuẩn bị kỹ vấn đề này, đặc biệt đã ban hành nghị quyết, hướng dẫn thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 5 này và các kỳ họp tiếp theo. Vấn đề ở chỗ làm sao để đại biểu QH phát huy hết trách nhiệm của người đại biểu, nghiên cứu kỹ các báo cáo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ QH kết hợp với quá trình là đại biểu QH của mình, kể cả các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu QH…
Để làm tốt việc này, cử tri và nhân dân kiến nghị QH cần tăng cường công tác giám sát. Yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực. Tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn của QH, Ủy ban thường vụ QH.
Viết Tôn(TH)