Hoàn thiện chính sách để phát triển, quản lý chung cư mini
Góp ý về quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ của các địa phương quy định tại Điều 42, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nêu rõ: Tại điểm c khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất. Theo đại biểu, quy định địa phương phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư là không cần thiết.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân người dân, (còn gọi là chung cư mini), quy định tại Điều 57 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận ủng hộ việc bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở; vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản, linh hoạt.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 57 chưa thật sự đầy đủ và khó khả thi, đại biểu đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống cháy nổ… Quá trình giao dịch quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này.
Xác định rõ đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội
Bày tỏ nhất trí với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đưa ra góp ý đối với quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước.
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Căn cứ vào những định hướng chính sách của Đề án nói trên, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, quy định như Điều 76 dự thảo Luật là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp.
“Thực tế, thời gian qua, các địa phương khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung này cũng đã vướng mắc. Để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, nhằm đảm bảo tính công bằng, chính xác khi thực hiện chính sách. Đây là điều kiện tiên quyết để xác định đối tượng được hỗ trợ nhà ở của Nhà nước, là một chính sách ưu việt cho tất cả những người có thu nhập thấp”, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị.
Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư
Đánh giá cao dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã có nhiều điểm hợp lý hơn, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) quan tâm cho ý kiến đối với quy định liên quan đến thời hạn sử dụng nhà chung cư. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, dự thảo Luật quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng, thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời hạn sử dụng thực tế. Hiện nay, pháp luật còn chưa quy định rõ về vấn đề này. Đại biểu cho rằng, các kết cấu vật liệu không thể tồn tại, vững bền vĩnh cửu, nên nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng.
Thực tế, khi sửa chữa các nhà chung cư cũ, việc xử lý thỏa đáng còn gặp nhiều vướng mắc, do đó rất khó khăn để tập hợp nguồn lực cho việc sửa lại các tòa nhà chung cư. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định nhất quán, rõ ràng, minh bạch: Chung cư cần có thời hạn sử dụng. Với quy định này, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích của người dân.
Về nhà ở xã hội, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu thêm về loại nhà ở xã hội ưu đãi cho người lao động thu nhập thấp có nhu cầu có thể mua được để phục vụ mục đích sinh sống, sinh hoạt. Các loại nhà ở xã hội còn lại nên cho thuê để không chồng chéo, lẫn lộn về quyền sở hữu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, sửa chữa sau này.