Công tác an sinh xã hội cần huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp

Sáng 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, đã chủ trì cuộc họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết và triển khai nhiệm vụ trong năm 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, chính sách về ưu đãi người có công và bảo đảm an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp xây dựng văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Các chính sách đã bao phủ các nhu cầu cơ bản, có tính thực tế khi triển khai ở cơ sở, ngày càng phù hợp hơn về phạm vi, tiêu chí xác định đối tượng, mức hưởng, điều kiện hưởng, góp phần tăng hiệu quả, mức độ bền vững.

Các địa phương tích cực, chủ động thực hiện tốt các chính sách trên địa bàn. Một số địa phương cân đối được nguồn ngân sách đã chủ động nâng mức hỗ trợ và hỗ trợ thêm cho một số đối tượng khác. Các chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội, góp phần không nhỏ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn quốc.

Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp thành thị vượt mục tiêu Nghị quyết. Chính phủ tập trung nguồn lực, cộng đồng chung tay góp sức để thực hiện các chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, cận nghèo được cải thiện.


Trong 5 năm, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng khoảng 3,2 triệu lượt người, đạt 13,8 triệu người năm 2017 (chiếm 25,76% lực lượng lao động). Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế tăng đều (đến 30/10/2017 tương ứng đạt 88,2% và 49,8%), đạt mục tiêu Nghị quyết 15/NQ-CP. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 59,1% năm 2012 lên 85,59% năm 2017, vượt mục tiêu Nghị quyết. 

Cuối năm 2017, trợ giúp xã hội bằng tiền mặt hàng tháng cho 2,78 triệu đối tượng, chiếm gần 3% dân số. Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực thực hiện của địa phương. Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Hệ thống dạy nghề được đổi mới, gắn với nhu cầu thị trường lao động, hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2012-2017, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ trên 3 triệu lượt lao động nông thôn học nghề. Chương trình hỗ trợ nhà cho hộ nghèo giai đoạn 1 đã hỗ trợ 531 nghìn hộ, giai đoạn 2 dự kiến hỗ trợ 311 nghìn hộ…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn tồn tại một số bất cập: một số chính sách nặng về tính bao cấp nên chưa phát huy được tinh thần chủ động của đối tượng thụ hưởng nói riêng và người dân nói chung. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương còn chậm. Nguồn lực thực hiện còn hạn hẹp, nguồn vốn một số chương trình không được bố trí đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch. Chế tài xử phạt các hành vi sai phạm còn nhẹ và chưa có tính răn đe. Cơ chế giám sát, đánh giá còn lỏng lẻo, yếu kém...

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trong năm qua, các bộ, ngành địa phương đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ cho bà con vùng bị thiên tai. Đây là kết quả hết sức nổi bật. Công tác an sinh xã hội cần huy động được sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, góp phần ổn định, đồng thuận xã hội để phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Đối với những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng cần chú trọng nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững, tăng năng suất lao động. Trước hết, các bộ, gành, địa phương cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, tạo ra nhiều doanh nghiệp, tạo việc làm; đổi mới công nghệ; đào tạo nhân lực; quan tâm đến các yếu tố năng suất tổng hợp, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội hiện hành, hệ thống hóa, tích hợp chính sách theo hướng tinh gọn, tập trung, tránh dàn trải.

Liên quan đến việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; củng cố y tế cơ sở, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trước hết là đối tượng chính sách, người cao tuổi phải được khám định kỳ theo đúng quy định của Luật Người cao tuổi.

Công tác giáo dục và đào tạo cần huy động toàn xã hội tham gia, tập trung hỗ trợ giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, theo hướng đi vào trọng tâm, tăng cường cơ hội học tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, con em các hộ nghèo, gia đình chính sách, có cơ chế bán trú cho các cháu. Đặc biệt, trong năm 2018, các địa phương cần rà soát lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhất là giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn; tạo được "cú hích" về hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học...) tại các khu công nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông xây dựng sản phẩm quốc gia về công nghệ thông tin, đó là giải pháp về thẻ an an sinh, có thể thanh toán. Nếu làm tốt sẽ có thể thay thế cho chứng minh nhân dân. Giải pháp này phải do Việt Nam làm chủ, doanh nghiệp lớn của Việt Nam thiết kế. Đây là sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm cần sớm thực hiện.

Phúc Hằng (TTXVN)
Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động
Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động

Chiều 10/11, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quan hệ lao động, điều kiện lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN