Công bố nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Sáng 9/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 là một chuyên đề giám sát quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một trong 4 nội dung giám sát thuộc Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát nội dung này sẽ góp phần vào đánh giá việc thực hiện một bước Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2019-2021, hướng đến giai đoạn 2022-2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc xắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Kết quả bước đầu đánh giá tốt. Trong thời gian tương đối ngắn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 47 nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính với gần 600 xã, huyện ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau quá trình sắp xếp, qua báo cáo sơ bộ của Chính phủ, công tác ổn định tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế-xã hội được tiến hành tốt, không để xảy ra những vấn đề lớn, bức xúc.

Tuy nhiên, để nhìn nhận một cách tổng thể, đánh giá khách quan, tìm ra được những nguyên nhân thành công và không thành công, thông qua đó rút ra được những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện bước 2 sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chuyên đề giám sát này và thành lập đoàn giám sát.

Trong Phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát, các đại biểu đã nghe ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật công bố Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15 ngày 6/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát. Tiếp sau đó, đoàn đã thảo luận, thông qua các kế hoạch thực hiện giám sát, hoạt động của đoàn; các đề cương do tổ giúp việc và cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan khác của Quốc hội chuẩn bị; cùng một số nội dung liên quan đến đổi mới cách thức, tổ chức giám sát trong điều kiện dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Theo Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” gồm hơn 20 thành viên là các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, 7 Ủy ban của Quốc hội cùng đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ tháng 1/2019 đến hết tháng 6/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

Nội dung giám sát là kết quả thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; những thuận lợi và khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cùng những yếu tố ảnh hưởng; các tác động của việc sắp xếp đơn vị hành chính đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Đoàn giám sát thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết, các đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi ban hành; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2022 về kết quả giám sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.

Việt Đức (TTXVN)
Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào
Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào

Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Vì đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tại buổi họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 19/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN