Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, cũng như thực hiện các bước cụ thể nhằm sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Nhiều ý kiến tại Thụy Sĩ đánh giá việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra chương mới trong hợp tác song phương.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ông Philipp Rösler - Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức – nhận định việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự sự kiện của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho bạn bè quốc tế về những thành tựu trong quá trình xây dựng đất nước, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế. Theo ông đánh giá, có thể nói mức tăng trưởng kinh tế hơn 7% là thành tựu đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia khác gặp không ít khó khăn. Gửi lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam, ông Philipp Rösler cũng bày tỏ hy vọng sẽ đóng góp được nhiều hơn cho việc thúc đẩy các dự án hợp tác giữa hai nước.
Thời gian tới, Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2025-2028 dưới sự bảo trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, cam kết hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao bền vững. Hai quốc gia sẽ phối hợp trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, sở hữu trí tuệ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Đánh giá về góc độ hợp tác này, bà Rachel Isenschmid – thành viên Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam (SVEF) – chia sẻ: "Trong bối cảnh Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình trở thành đất nước thu nhập cao, phát triển bền vững, chủ động, mỗi cá nhân, tập thể đều đóng vai trò quan trọng và chúng tôi tin rằng, sự nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam- Thuỵ Sỹ trong thời điểm quan trọng này sẽ mang lại tác động tích cực tới quá trình hiện thực hoá mục tiêu của chúng tôi. Thời gian tới, các hoạt động của SVEF sẽ tập trung vào các dự án thúc đẩy hợp tác giữa các cấp chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hai nước”.
Dự kiến, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ tiếp tục xem xét tiềm năng mở rộng các sáng kiến hợp tác học thuật chung, chương trình đào tạo và hợp tác du lịch. Hai nước cũng nhất trí xác định đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, chia sẻ tri thức là những lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác song phương trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn - Chuyên gia cao cấp tại công ty Move Digital AG ở thành phố Zurich, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo phát triển nhân lực, hợp tác nghiên cứu phát triển trong sản xuất và ứng dụng năng lượng tái tạo… Ông nhận định đây là cơ hội rất tốt và là sự mong mỏi của nhiều kiều bào, trí thức từng đóng góp vào quá trình xây dựng và thúc đẩy quan hệ song phương trong hơn 50 năm qua. Ông hy vọng trong thời gian tới, hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam đang rất quan tâm như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, robotics, y tế thông minh, công nghệ tài chính (fintech)… Theo ông, với một thị trường rất năng động, rộng mở, giàu tài nguyên và nhân lực như Việt Nam, Thuỵ Sĩ sẽ có một đối tác đáng tin cậy để mở rộng thị trường và tham gia cùng vào chuỗi cung ứng sản xuất.