Chuyên gia Ai Cập đánh giá Việt Nam sẽ có những đóng góp đáng kể trên các diễn đàn quốc tế

Trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu 5 vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), phóng viên thường trú TTXVN tại Cairo ngày 5/6 đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Refaat Khaled – Phó Tổng biên tập báo Al Mesa của Ai Cập, về Việt Nam và những đóng góp của quốc gia Đông Nam Á này khi trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ, ngày 26/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhà báo Khaled, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như châu Á. Có thể thấy Việt Nam đang nổi lên và là một “con hổ” ở châu Á, đặc biệt khi lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Việt Nam đang đóng vai trò tích cực và hiệu quả ở châu Á cũng như trên thế giới.

Nhà báo Khaled nhấn mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam ở khu vực cũng như trên thế giới đang ngày càng tăng cao. Việt Nam là một quốc gia “đang nổi” ở khu vực châu Á. Nhà báo Khaled cho biết ông ủng hộ việc Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021. Nhà báo Ai Cập bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ giành chiến thắng và đắc cử vào vị trí này. Theo ông Khaled, khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ có những đóng góp đáng kể trên các diễn đàn quốc tế, thể hiện vai trò tích cực trong việc góp phần chấm dứt các cuộc xung đột trên thế giới, đấu tranh chống khủng bố đồng thời giúp đạt được hòa bình và an ninh quốc tế.

Bên cạnh đó, nhà báo Khaled cho hay ông đặc biệt ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Ông chia sẻ có tình cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong sự nghiệp làm báo, ông luôn dành sự ủng hộ của mình đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Theo ông Khaled, Việt Nam được biết đến trong thế giới Arab là một đất nước anh hùng ở châu Á và được nhân dân các nước Arab nói riêng và thế giới nói chung ngưỡng mộ. Ngoài ra, theo ông, cũng cần phải khẳng định rằng Ai Cập và Việt Nam có mối quan hệ chính trị và ngoại giao hết sức tốt đẹp trong suốt hơn 55 năm qua. Quan hệ giữa hai nước đã chứng kiến nhiều thành quả trong hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hóa, và thương mại trong những năm gần đây. 

Ngoài ra, trong một bài viết trong cuốn sách “55 năm Quan hệ Hữu nghị Việt Nam - Ai Cập”, cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Reda El Taify cho biết ông rất khâm phục và ngưỡng mộ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, bảo tồn những giá trị văn hóa và lịch sử cũng như hòa nhập nhanh với thế giới. Theo ông Taify, Việt Nam cũng như Ai Cập có nhiều kinh nghiệm quý báu có thể chia sẻ với thế giới. 

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập Khaled Tharwat đã khẳng định rằng Ai Cập coi Việt Nam là một trọng tâm trong chính sách hướng Đông của mình. Ai Cập đánh giá cao những thành tưụ phát triển kinh tế - xã hội, vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Thứ trưởng Tharwat tái khẳng định Ai Cập ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và mong muốn sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và LHQ.

Trương Anh Tuấn (TTXVN)
Việt Nam có cơ sở lạc quan cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Việt Nam có cơ sở lạc quan cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

Ngày 7/6/2019 tới đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương tham gia ứng cử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN