Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: Các cơ quan báo chí cần nắm bắt làn sóng AI (trí tuệ nhân tạo) trong tương lai. Đây sẽ là chìa khóa cho các tòa soạn vào năm 2024 với việc tự động gắn thẻ, tạo nội dung đăng tải lên các nền tảng với sự giám sát của con người, thu thập tin tức, cung cấp ngữ cảnh cho bài viết, tạo hình ảnh… AI góp phần tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội cũng như trong báo chí.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Chuyển đổi số để làm tốt hơn công tác báo chí, định hướng thông tin, làm chủ nền tảng truyền dẫn, từ đó thu hút người đọc, chiếm thị phần người xem, người nghe. Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng để từng bước đưa báo chí trở thành ngành kinh tế truyền thông đa nền tảng, đa nội dung. Để chuyển đổi số thành công, người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, vai trò, quyết liệt triển khai.
Theo Tổng Biên tập, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Lãm, chuyển đổi số cũng như chuyển đổi số lĩnh vực báo chí đã giúp các cơ quan báo chí phát triển ngày càng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, sản xuất ra các tác phẩm chất lượng, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền của Đảng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí hiện đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhất là nhận thức; nguồn lực cho chuyển đổi số; vấn đề làm chủ công nghệ; kỹ năng nghiệp vụ và khả năng áp dụng công nghệ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trên môi trường số…
Cùng với “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 có “100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động”.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí Trung ương đã tiên phong và thành công trong chuyển đổi số với các công nghệ số, tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), Cloud computing (Điện toán đám mây), Big data (dữ liệu lớn)... Những công nghệ này đã và đang tạo ra môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí…
Một số cơ quan báo chí địa phương bước đầu đã có sự chuyển dịch và thay đổi lớn. Việc chuyển đổi này giúp các cơ quan báo chí tăng cường sự hiện diện của mình, thu hút và tiếp cận nhanh với đa dạng công chúng.