Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 5 - 12/7/2015. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Việt Nam và Nhật Bản là hai nước châu Á từng trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt với cường quốc nằm ở bên kia bờ Thái Bình Dương và những hậu quả và hệ lụy của nó vẫn còn đeo đẳng nhiều thế hệ người dân ở mỗi nước. Hiếm có chuyến đi nào của một nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ lại được công bố sớm như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.
Ngay từ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN ở tại Sunnylands, bang California tháng 2 vừa qua, vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định đi thăm Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định sự coi trọng đặc biệt đối với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, coi đây là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm nay, qua đó nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, đồng thời thể hiện dấu ấn cá nhân trong quan hệ song phương mà ông Obama đã dành nhiều công sức thúc đẩy trong nhiệm kỳ qua.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và nói như lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, "giai đoạn hòa giải đã kết thúc". Tuy nhiên, có những vấn đề là trở ngại trong quan hệ giữa hai nước.
Với Việt Nam, đó là những hậu quả chiến tranh như chất độc da cam/điôxin, là bom mìn/vật liệu chưa nổ còn sót lại đang hàng ngày hàng giờ đe dọa sinh mạng và cuộc sống của người dân. Trong khi đó, một bộ phận cộng đồng người Việt định cư tại Hoa Kỳ vẫn có cái nhìn phiến diện về đất nước do thiếu thông tin, cộng với sự xuyên tạc, lôi kéo của các thế lực thù địch.
Ngoài ra, trong chính giới Hoa Kỳ vẫn có những tiếng nói phản đối việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, gắn việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),... với những điều kiện về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Obama sẽ có cơ hội khép lại di sản của một cuộc chiến và mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước thông qua chuyến thăm này.
Cho dù Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay nhưng không vì thế mà chuyến thăm Việt Nam của ông sẽ giảm bớt ý nghĩa. Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, nếu nhìn vào chiều dài quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thì sự thúc đẩy từ lúc bình thường hóa cho đến mở rộng quan hệ, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đều có sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thực tế đã chứng minh rằng trong 20 năm qua, các đời tổng thống của các đảng khác nhau ở Hoa Kỳ đều thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển.
Giới quan sát nhận định đà phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã vượt ra khỏi khuôn khổ chính quyền Obama mà liên quan chặt chẽ đến chính quyền kế tiếp và sự đồng thuận hai đảng. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, đã bày tỏ tin tưởng rằng tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, dù là ai hay thuộc đảng phái nào, cũng đều coi trọng tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, coi đây là bước tiến không chỉ đối với quan hệ song phương mà còn cả với việc hàn gắn vết thương của các cựu quân nhân Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, những người từng đứng ở hai đầu chiến tuyến.
Theo chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã thúc đẩy một sự hòa giải đặc biệt với hai quốc gia cựu thù là Việt Nam và Nhật Bản và điều đó sẽ được thể hiện rõ nét trong chuyến thăm của ông Obama. Chuyến đi nhấn mạnh hai yếu tố cơ bản trong chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ, đó là tăng cường quan hệ với các nước đồng minh truyền thống như Nhật Bản, vốn là trọng tâm trong chiến lược của Hoa Kỳ với châu Á, và xây dựng quan hệ đối tác mới với các quốc gia đang nổi lên trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Với việc đi thăm Việt Nam và Nhật Bản, Tổng thống Obama muốn nhấn mạnh thông điệp rằng tôn trọng quá khứ đi đôi với hướng tới tương lai là một thực tế và là biểu tượng cho sự hợp tác song phương.