Chuyện chưa kể trước Ngày giải phóng miền Nam - Bài cuối: Ký ức Ngày trọng đại

Trưa ngày 30/4, sau khi chép xong nội dung tin đọc chậm tôi đã nghe được tin giải phóng thành phố Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước đã thống nhất một nhà. Không thể vui một mình được, cầm tờ giấy đã chép nội dung ấy, tôi nhảy chân sáo đúng điệu của cậu bé 15 tuổi, loan tin với bất cứ ai mà tôi gặp được.

Chú thích ảnh
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vỡ òa niềm vui Ngày Giải phóng

Hồi đó, phương tiện truyền thông rất hạn chế. Kênh thông tin hiệu quả nhất là đài phát thanh, gồm có: Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi tắt là Đài Hà Nội) và Đài Phát thanh Giải phóng. Thông tin từ đài phát thanh đến cán bộ, nhân dân rất nhanh, nhưng dân có radio không nhiều, nhất là ở vùng biển như thị xã La Gi. Trong khi đó, mỗi tin, bài, đài chỉ phát một lần, do đó nhiều người không nghe được, không nghe chính xác hoặc không nhớ lâu.

Nắm được nhu cầu ấy trong bối cảnh không lấy gì gọi là phát triển công nghệ thông tin, cả hai đài trên, ngoài phát thanh đọc bình thường, đều có buổi phát thanh đọc chậm mỗi ngày từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để cán bộ ghi chép và phổ biến lại cho nhân dân. Mỗi câu, phát thanh viên đọc chậm và đọc lại hai lần, giống như thầy giáo đọc bài cho học sinh chép vậy. Nhưng thử hình dung, nếu vào thời điểm còn chiến tranh, đạn bay, pháo dội hay địch càn quét vào nơi đang ở thì nghề chép tin chậm này cũng cam go lắm. Nhưng may với tôi, lúc ấy theo đoàn đến tiếp quản thị xã La Gi vào ngày 23/4 thì ngày hôm sau đã được tổ chức giao nhiệm vụ chép lại tin đọc chậm. Có nghĩa, chép tin chậm trong thời bình nên mọi chuyện nhẹ nhàng hơn nhiều so với sức của một cậu bé 15 tuổi đã được đào tạo qua lớp sư phạm trong rừng.

Tôi được cơ quan giao cho chiếc radio (máy thu thanh) để hàng ngày chép tin đọc chậm trên Đài Hà Nội (buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ) và trên Đài Phát thanh Giải phóng (buổi trưa từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ). Những tin tôi chép vào mấy ngày đầu ấy rất đa dạng, chủ yếu là thắng lợi của quân, dân ta trên các mặt: quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao và những tin về cuộc tiến công vào Sài Gòn thì rất nhiều, có thể hình dung cuộc tiến công ấy trong thế chẻ tre. Tôi vừa chép tin vừa tự hào, vừa mừng vui chiến thắng một mình. Tin chép xong ngày nào là tôi chuyển đến bộ phận đánh máy chữ rồi in ra số lượng nhất định để phát cho cán bộ đọc, sau đó phổ biến ra dân.

Và trưa ngày 30/4, sau khi chép xong nội dung tin đọc chậm tôi đã nghe được tin giải phóng thành phố Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước đã thống nhất một nhà thì tôi không thể vui một mình được. Cầm tờ giấy đã chép nội dung ấy, tôi nhảy chân sáo đúng điệu của cậu bé 15 tuổi, loan tin với bất cứ ai mà tôi gặp được. Chú Vũ Hồng, người vốn điềm đạm vậy mà khi ấy nghe tin cũng reo lên rồi khóc. Anh Hồng Thanh Nam, hiện giờ là Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc cùng những người khác trong cơ quan cũng thế, ôm nhau vui mừng rồi khóc ngoan lành như những đứa trẻ. Sau đó, bản tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được in ra nhiều bản. Người dân cứ thế chuyền tay nhau đọc miệt mài vì có người vừa đánh vần vừa đọc. Họ thích thế. Dù có cán bộ đọc cho nghe nhưng họ vẫn muốn chính tận mắt mình nhìn thấy dòng tin ấy. Niềm vui quá to lớn, dâng trào như muốn vỡ òa. Niềm vui mà tất cả đã chờ đợi từ rất, rất lâu.

Chậm rồi lại nhanh

Tôi làm công việc chép tin đọc chậm được khoảng 2 tháng thì dừng. Lý do là lúc này, tôi được chú Vũ Hồng cho đi học lớp dạy đánh máy chữ do tỉnh Bình Tuy tổ chức. Lớp học được tổ chức tại trung tâm hành chính Bình Tuy, do anh Nguyễn Đình Kiên đứng lớp. Thầy giáo chỉ có mình anh Kiên, còn học trò thì có đến hơn 50 người. Lần đầu tiên học đánh máy, nhưng thời đó đâu có nhiều máy đề thực hành, nên đa số học viên phải vẽ bàn phím lên giấy rồi tập gõ cho quen. Đây là cách đánh chữ bằng 10 đầu ngón tay với những kỹ năng đạt yêu cầu là phải nhanh, chuẩn. Cái chính là để sử dụng loại máy đánh chữ mới. Loại máy mà khi đánh, người ta nghe cảm nhận như chữ chạy rào rào rồi sau đó được thả tiếng têng như đánh kẻng cho một sự kết thúc và tờ giấy có sẵn chữ trên ấy rơi ra. Người đánh máy có thể vừa nghe đài đọc tin chậm vừa đánh lại trên máy chữ này cũng được.

Anh Nguyễn Đình Kiên vốn là thầy giáo. Những giờ lên lớp của anh làm tôi say sưa. Những bài giảng dạy kỹ thuật đánh máy ấy khiến một cậu bé 15 tuổi như tôi có cảm giác như anh đang bước sang một thế giới hiện đại qua cách sử dụng chiếc máy đánh chữ trên. Từ dạo học xong lớp đánh máy chữ, tôi chuyển sang làm văn thư, tôi không còn phải chép tin chậm nữa. Không còn cảnh tôi phải chuyển bản viết tay sang cho người đánh chiếc máy chữ với những phím ký hiệu được sắp xếp xung quanh một chiếc vòng bằng đồng có trục ở giữa rồi dùng tay quay đến chữ cần thiết và phủ mực lên ký hiệu để đánh ra giấy. Chép tin chậm là đã chậm rồi, lại qua công đoạn trên góp phần càng chậm hơn. Tuy nhiên, dù thế nào, chính những công việc ấy đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của nó trong giai đoạn đó. Và nhờ vậy, cán bộ và nhân dân lúc ấy tiếp nhận những thông tin mới, dù chậm nhưng lại có một niềm tin mãnh liệt cũng như những quyết tâm trong hành động để chung sức xây dựng quê hương những ngày sau giải phóng.

45 năm đã trôi qua. Mỗi khi đến ngày gần giải phóng Bình Tuy, giải phóng miền Nam, tôi lại dành thời gian để hồi nhớ lại các sự kiện đã qua của đất nước, của quê hương Bình Tuy. Các sự kiện ấy cũng đã gắn liền với các kỷ niệm của chính cuộc đời tôi. Trong hàng loạt các điều đáng nói, thì điều đáng nói hơn tất cả là Tỉnh ủy lúc ấy đã có tầm nhìn xa, trông rộng, coi trọng giáo dục, coi trọng đổi mới rất rõ. Khi mà bom đạn còn dội về chưa dứt, ngày giải phóng miền Nam còn trong dự tính nhưng tỉnh ủy Bình Tuy đã nghĩ đến chuyện phải đào tạo một lớp sư phạm chuẩn bị cho ngày hòa bình.

Chính thế hệ giáo viên đầu tiên ấy đã góp phần tạo nền tảng dân trí cho con em người dân ở vùng miền núi Tánh Linh, Đức Linh bây giờ. Chính họ là những người bắt cầu kiến thức cho những thế hệ giáo viên khác được đào tạo bài bản hơn sau này tiếp nối. Và đến chuyện trang bị kiến thức cho cán bộ công nhân viên cũng như tiếp cận tiến bộ công nghệ qua chiếc máy đánh chữ mới chỉ 2-3 tháng sau ngày giải phóng cho thấy thêm một điều rằng nhu cầu cần thay đổi cho kịp sự tiến bộ của thời đại trở thành cấp thiết. Tôi ở lứa tuổi 14, 15 may mắn đi qua, theo dòng chảy của bước ngoặc lịch sử đất nước, được trải nghiệm 2 sự kiện lịch sử ấy, bỗng nhận ra đối mặt với thử thách, trở ngại là cách trưởng thành nhanh nhất trong cuộc sống này. Chính những năm tháng ngày ấy, đã cho tôi một niềm tự hào, một động lực to lớn để hoạt động và làm việc, cống hiến và phấn đấu không biết mệt mỏi.

Bài và ảnh: Hồ Trung Phước
Chuyện chưa kể trước Ngày Giải phóng miền Nam - Bài 4: Tiếp quản La Gi
Chuyện chưa kể trước Ngày Giải phóng miền Nam - Bài 4: Tiếp quản La Gi

Ngay sau giải phóng Hoài Đức vào ngày 23/3/1975, đơn vị 88 và 81 cùng cán bộ các ngành, đoàn thể đã chuyển xuống Quốc lộ 1, phối hợp với các đơn vị tại Nghĩa Lộ, Hàm Tân và thị xã La Gi phát động quần chúng chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng phối hợp lực lượng để giải phóng toàn bộ mảnh đất còn lại của quê hương Bình Tuy: đó là thị xã La Gi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN