Chuyện chưa kể trước Ngày giải phóng miền Nam - Bài 3: Lớp sư phạm đặc biệt

Những ngày tháng 2 năm 1975, thời tiết ở vùng giải phóng tại căn cứ huyện Nam Thành (xã Nghị Đức – Tánh Linh bây giờ), nắng vàng rực rỡ. Nước sông La Ngà vẫn cuồn cuộn chảy. Hai bên bờ, cây cối và hoa cỏ mọc xanh um.

Quang cảnh như một bức tranh sơn thủy nhiều sắc màu tươi sáng. Bức tranh ấy cũng như lòng người dân ở đây: Ước vọng về một ngày mai tươi sáng, ngày giải phóng miền Nam gần kề, khi mà hàng đêm nghe radio, nghe người người loan tin về quyết tâm của Bộ Chính trị, Thường vụ Trung ương Cục qua nghị quyết 15/TWC chỉ đạo nắm thời cơ, thực hành tổng công kích, Tổng khởi nghĩa…

Trong cảnh chung quyết liệt đầy hy vọng đó, lòng tôi cũng đang phơi phới, vì ngày 6/2/1975, tôi bước vào buổi khai giảng lớp sư phạm đầu tiên tại vùng giải phóng. Trong cảnh bom rơi, đạn lạc chưa dứt thì đã xuất hiện một lớp học với những con người mang hoài bão khi bước vào hòa bình sẽ giúp người dân biết đọc, biết viết.

Một lớp học thật đặc biệt, vì nó mang sứ mệnh trong hoàn cảnh cũng đặc biệt không kém. Cả vùng đã giải phóng kéo từ Tà Pao, Huy Khiêm, Bắc Ruộng sang, rồi Sùng Nhơn, Mê pu tới Nghị Đức, chỉ gom góp được có 11 người; với 5 nữ, 6 nam, có trình độ cao nhất là lớp 10. Chỉ chừng đó người học nhưng ngành giáo dục Bình Tuy vẫn quyết định mở lớp.

Ngay ngày đầu tiên, 4 thầy cô giáo được Ty Thông tin văn hóa giáo dục tỉnh Bình Tuy cử về đã có mặt. Đó là thầy Đức, thầy Hà Hoành, thầy Phạm Hùng và cô Bùi Thị Lớp. Một lớp học đơn sơ xuất hiện dưới tán rừng, kèm theo một nhà cấp dưỡng, một nhà ăn cùng 1 quản lý và 1 cấp dưỡng. Tổng cộng 17 con người ấy vừa dạy vừa học, vừa sản xuất, vừa làm bất cứ công việc gì có thể giúp nhân dân trong vùng giải phóng.

Lớp học tình thân

Tôi nhỏ tuổi nhất lớp lại mang bệnh sốt rét kinh niên nên các anh chị lúc nào cũng quan tâm. Có lần đang giữa tiết học, cái lạnh của sốt rét bỗng ùn ùn về, tôi lăn kềnh ra giữa lớp, các anh chị vội lấy thuốc cho tôi uống và trùm mền lên. Qua cơn sốt rét, tôi lại ngồi dậy học tiếp. Sau đận ấy, tôi đến lớp bao giờ cũng mang theo chăn để kề bên, thuốc để túi áo và mặt lúc nào cũng tái mét “chính hiệu” của dân sốt rét. Vì thế, chế độ ăn của tôi được chú ý nhiều, thường được các anh chị nhường cho đậu phộng rang muối để ăn bất cứ khi nào muốn. Trong lớp, cũng có hai người khác bị sốt rét nhưng do các anh chị ấy lớn tuổi hơn, biết chăm sóc bản thân hoặc sức đề kháng cao nên ít vật vã hơn tôi.

Chú thích ảnh
Tác giả chụp với ông Hồ Ca, nguyên Bí thư chi bộ xã Nghị Đức trong chiến khu 

Để cải thiện sức khỏe, nâng chất bữa ăn, các thầy giáo, giáo sinh trong lớp hay tổ chức đi bắn cá hay săn bắt thú rừng vào những lúc nghỉ học, những lúc giúp đỡ dân. Vùng Nghị Đức khi ấy, cá lội đầy suối Ba Thê, con nào con nấy to 1-2 ký, thầy Hùng hay dẫn anh em chung tôi đi bắn cá bằng súng AK hoặc có hôm đi tát cá dưới đìa. Nhớ nhất là có lần chú Hồ Ca, khi ấy là Bí thư chi bộ xã Nghị Đức săn ở đâu được con giộc, cho thầy trò tôi đem về làm đủ thứ món, ăn một bữa ngon nhớ đời. Ít nhất đã 45 năm trôi qua nhưng đến giờ, cảm giác thân thương như gia đình mà lớp học ấy mang lại trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như mới hôm qua. Không có mẹ ở bên nhưng tôi vẫn được quan tâm, chăm sóc như tình thân và trưởng thành hơn từ đó.

Sau hơn 2 tháng với thời gian học hết sức linh hoạt, lớp học cũng bế giảng vào ngày 15/4/1975. Bấy giờ, huyện Hoài Đức (Đức Linh bây giờ) đã được giải phóng, có nghĩa mọi vùng quê bên Nam sông La Ngà đã tự do. Phần lớn các anh chị trong lớp tỏa về các vùng quê ở Tánh Linh, Hoài Đức để dạy các em thơ biết chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân, chuẩn bị con người mới cho xây dựng quê hương mới. Trong dòng chảy hối hả cho giải phóng toàn miền Nam ấy, ai cũng nhận ra, chính thắng lợi của mặt trận Tánh Linh – Hoài Đức đã động viên cổ vũ phong trào cách mạng địa phương, chuyển hướng tiến công mạnh mẽ về đồng bằng và ven biển.

Lớp sư phạm ngày đó chưa được ghi vào lịch sử của ngành giáo dục Bình Thuận. Cũng có thể là do chiến tranh qua đi, ít ai còn nghĩ đến một lớp sư phạm như vậy ở trong rừng. Hoặc sau khi kết thúc chiến tranh, còn bao nhiêu việc ngổn ngang mà chính quyền mới phải lo toan; hoặc là do chưa có điều kiện để viết lại. Tuy có quy mô rất nhỏ; nhưng lớp sư phạm này là một phần của lịch sử của ngành giáo dục tỉnh Bình Tuy. Lớp học cũng đã thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ Bình Tuy thời kì đó. Dù bước vào những năm cuối cùng của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân với bao công việc to lớn, nhưng Đảng bộ Bình Tuy vẫn chú trọng đến công tác khoa giáo, đào tạo đội ngũ giáo viên cho vùng giải phóng. Lớp sư phạm đó cũng chính là lớp sư phạm đầu tiên của Bình Tuy, và cũng là của Bình Thuận sau này; lớp giáo viên đầu tiên được đào tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong số 11 anh em sau khi ra trường, một số về tham gia giảng dạy, một số chuyển công việc khác. Sau một thời gian chỉ còn 2 người là tiếp tục công việc giảng dạy cho đến khi về hưu. Những người chuyển sang công việc khác có tôi và anh Lương Ơn vể công tác tại Ty thông tin văn hóa giáo dục tình Bình Tuy. Anh Lương Ơn thì công tác tại đội chiếu bóng, còn tôi làm việc ở bộ phận thông tin tuyên truyền, anh Lê Văn Cam đi học tiếp và làm ngành ngân hàng. Cũng trong số đó, có 2 anh đã không còn nữa.... Tôi có ước muốn một dịp nào đó, gặp mặt tất cả những thầy và các anh chị còn sống về gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm xưa, có thể làm một cuộc hội thảo nho nhỏ; để viết tiếp vào lịch sử của ngành giáo dục Bình Tuy ngày xưa, và Binh Thuận ngày nay: Ngày ấy trong chiến tranh, dưới cánh rừng già, có một mái trường sư phạm như thế...

Bài 4: Tiếp quản thị xã La Gi

Bài và ảnh: Hồ Trung Phước
Chuyện chưa kể trước Ngày giải phóng miền Nam - Bài cuối: Ký ức Ngày trọng đại
Chuyện chưa kể trước Ngày giải phóng miền Nam - Bài cuối: Ký ức Ngày trọng đại

Trưa ngày 30/4, sau khi chép xong nội dung tin đọc chậm tôi đã nghe được tin giải phóng thành phố Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước đã thống nhất một nhà. Không thể vui một mình được, cầm tờ giấy đã chép nội dung ấy, tôi nhảy chân sáo đúng điệu của cậu bé 15 tuổi, loan tin với bất cứ ai mà tôi gặp được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN