Cả quãng đường ra sân bay Bata Guinea Xích đạo cũng như trên suốt chặng bay dài, người đầu bếp trẻ mới 23 tuổi luôn quan tâm tới những anh em công nhân bị mắc COVID-19 đi cùng chuyến. Kể từ hôm bị cách ly vài tuần trước, Khoa không được gặp họ, trong đó có nhiều người Khoa đã kịp thân thiết trong quãng thời gian hơn 9 tháng làm việc tại công trường Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje.
Ngồi trên khoang dành riêng cho những công nhân may mắn âm tính với COVID-19, Khoa và các anh em công nhân nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. Có lẽ đây là giấc ngủ yên bình nhất của họ sau quãng thời gian dài sống trong lo lắng cùng nỗi mong mỏi được sớm trở về quê hương.
Tại mỗi khoang hành khách trên chiếc Airbus 350, các tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và đội ngũ nhân viên y tế luôn túc trực trong tư thế sẵn sàng. Họ đang thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, một nhiệm vụ theo mệnh lệnh của trái tim.
Từ đầu tháng 7, ngay sau khi nhận được những thông tin đầu tiên về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nhóm công nhân Việt Nam đang làm việc tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje ở Guinea Xích đạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo 3 công ty quản lý người lao động Việt Nam làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu chính để tạm dừng công việc tại công trường; hướng dẫn biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi ở, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; xây dựng phương án đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng với tỷ lệ lây nhiễm cao, trong khi vụ việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân để đưa toàn bộ số lao động trên về nước, đồng thời đảm bảo cách ly y tế và điều trị theo quy định. Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Chỉ vài ngày sau đó, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tổ chức ngay chuyến bay cứu hộ công dân tại Guinea Xích đạo. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài làm hết sức mình để bảo hộ công dân.
Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đã được các ban, ngành liên quan gấp rút triển khai ngay sau đó. Một loạt cuộc họp đã được tiến hành nhằm đưa ra những phương án tối ưu về kế hoạch để thực hiện chuyến bay trong thời gian sớm nhất, công tác bảo đảm an toàn bay, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, thủ tục bay cũng như các biện pháp hỗ trợ tối đa cho những hành khách “đặc biệt’’ trong suốt hành trình.
Sau hàng chục chuyến bay đưa công dân tại nhiều khu vực trên thế giới về nước, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cùng một thời điểm như vậy, đòi hỏi công tác chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng đến từng chi tiết.
Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, thời gian chưa đến 3 tuần, có thể nói là “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là sự kiện được xem như “kỳ tích”, cho thấy sức mạnh tổng hợp của dân tộc được huy động và phát huy mạnh mẽ trong những lúc khó khăn, thử thách, và càng có giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Cho dù là đối với tổ chức hay từng cá nhân đơn lẻ, nhưng đứng trước những thử thách khắc nghiệt, tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “đặt mạng sống của người dân lên trên hết” đã biến thành quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống đại dịch. Và chính từ đó, sức mạnh của dân tộc ngày càng được khơi dậy sâu sắc hơn.
Với Bùi Đăng Khoa và trên 200 công nhân lao động tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje, một tháng qua là quãng thời gian mọi người đều không thể quên. Đó là giai đoạn chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc khác biệt và đan xen, đó là sự lo lắng, hy vọng rồi vỡ òa vì mừng vui, hạnh phúc.
Chia sẻ qua điện thoại với phóng viên TTXVN tại châu Phi, chàng trai quê Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội), nghẹn ngào nhớ lại nhiều anh em đang cách ly tại Guinea Xích đạo đã không cầm được nước mắt khi biết tin Chính phủ sẽ bố trí chuyến bay đưa mọi người về Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, nhiều anh em công nhân tại Guinea Xích đạo liên tục cập nhật tình hình cho phóng viên TTXVN tại khu vực.
Trước khi lên máy bay, thay mặt nhóm công nhân tại Guinea Xích đạo, từ tận đáy lòng, Khoa muốn thông qua Cơ quan đại diện TTXVN gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam cũng như các ban, ngành liên quan tổ chức chuyến bay đầy ắp tình người này. Tại sân bay, Khoa và các công nhân đã nhiều lần hô vang “I am Vietnamese - Tôi là người Việt Nam’’ với niềm tự hào, vui sướng và hạnh phúc.
Bừng tỉnh sau thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh, qua ô cửa sổ hình tròn, Khoa nhìn thấy những thửa ruộng xanh hình bàn cờ với những làng xóm và dòng sông li ti uốn khúc. Đó là những hình ảnh đã luôn theo em trong suốt những ngày tháng qua. Một cảm xúc trào dâng khó tả.
Khoa hiểu rằng, do phải thực hiện quy định cách ly, em và các công nhân trong đoàn sẽ chưa thể được đón ngay bằng những cái ôm chặt cùng những bó hoa tươi thắm từ bố mẹ, anh chị em và người thân. Nhưng có một điều Khoa biết rõ rằng, quê hương đang dang tay chào đón em cùng những người anh em khác với những gì ấm áp, thiêng liêng và trọn vẹn nhất của tình đất nước, nghĩa đồng bào.