Để làm rõ những đóng góp của đội ngũ trí thức trong 15 năm qua và đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng vững mạnh trong thời gian tới, Thống tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Qua 15 năm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò hiện nay của đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước?
Nghị quyết 27 được Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) thông qua vào ngày 6/8/2008 trong bối cảnh nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chủ trương của Đảng, Nhà nước là: “Phát triển đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ”; “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Qua 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trên cơ sở Nghị quyết 27, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật dựa trên những giải pháp cơ bản Nghị quyết đó là: Phải tạo môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức. Nhờ đó, vị thế đất nước ta ngày càng được nâng cao, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Là tổ chức chính trị - xã hội của Đảng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã có giải pháp gì để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong việc tham vấn, phản biện, giám định xã hội, góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước, thưa ông?
Với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tham gia vào “Ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức -VUSTA”, nhiều năm nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập trung cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đó là nội dung cơ bản của hoạt động Liên hiệp Hội Việt Nam.
Những năm gần đây, mỗi năm, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương đã tăng cường công tác tư vấn, phản biện khoảng 500 - 600 nhiệm vụ, tập trung vào việc góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị; dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; một số dự thảo Luật quan trọng, dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam ở địa phương đã triển khai nghiên cứu, đề xuất, tổ chức tư vấn, phản biện với tỉnh và các sở, ngành bằng nhiều hình thức khác nhau cho các dự án, đề án, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Tuy đạt được nhiều kết quả trong hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, song, Liên hiệp Hội Việt Nam còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ như: Các đơn vị chưa chủ động đặt hàng với Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội do chưa có cơ chế “bắt buộc”. Hầu hết các dự án được Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội là do Liên hiệp Hội Việt Nam tự chủ động đề xuất. Số lượng các chương trình, dự án được Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện thời gian qua chưa nhiều, do đó, kinh phí được cấp cho hoạt động tư vấn, phản biện chưa được sử dụng, phải hoàn trả ngân sách.
Tôi cho rằng, để công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội có hiệu quả, giải pháp trước mắt là tôn trọng tri thức và tạo điều kiện tối đa cho trí thức hoạt động; định hướng về cơ cấu, ngành nghề để Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập các tổ chức, cơ sở phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi có yêu cầu; có biện pháp thích hợp để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các Hội thành viên và tổ chức khác ở trong và ngoài địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam; lựa chọn và giới thiệu các chuyên gia có đủ năng lực và trình độ cho từng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Nếu thực hiện tốt những giải pháp trên, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ ngày càng đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước.
Trong bối cảnh mới, ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, thuận lợi và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức thời gian tới?
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, của sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có bước trưởng thành, phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu rộng khắp trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, hoạt động của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ còn một số hạn chế, bất cập. Đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ vào sự nghiệp phát triển đất nước chưa được như kỳ vọng. Đội ngũ trí thức đầu ngành còn thiếu, hẫng hụt đội ngũ kế cận. Trong khi đó, cơ chế, chính sách thu hút nhân tài còn bất cập, thiếu đồng bộ, ít có tính đột phá. Nhà khoa học thường có mức lương thấp, chưa tương xứng với kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Cơ chế đãi ngộ còn thiếu động lực để đội ngũ trí thức, nhà khoa học có thể tận tâm, tận hiến cho đất nước.
Ngoài ra, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao; năng lực sáng tạo của các nhà khoa học chưa được phát huy. Chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia chưa tương xứng với đòi hỏi của nhiệm vụ được giao. Nhà khoa học chưa thực sự được tôn vinh, làm ảnh hưởng đến lòng tự tôn và tinh thần say mê khoa học của họ.
Phát triển đội ngũ trí thức đòi hỏi sự tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ bởi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển của đất nước, động lực cho đổi mới sáng tạo. Đảng và Nhà nước cần thực sự tôn trọng hơn nữa trí thức, các nhà khoa học đầu ngành. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, đội ngũ trí thức chính là hiền tài của đất nước, là vốn quý của dân tộc nên cần được coi trọng, tôn vinh, phát triển hơn nữa.
Muốn vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách đột phá về nhân tài, về đội ngũ trí thức. Đầu tư cho nhân tài là đầu tư sinh lợi nhất nên cần có chiến lược phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; có chính sách tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Theo ông, chúng ta cần làm gì để đội ngũ trí thức ngày càng phát huy vai trò trong Khối liên minh Công - Nông - Trí, thực sự là hạt nhân, cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc?
Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo phát huy hiệu quả vai trò liên minh “Công - Nông - Trí” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi thành tựu của đất nước đều có vai trò to lớn của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức; trong đó, nền tảng liên minh này luôn đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Khối liên minh đã có những cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý và bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các bên khi tham gia liên kết, nhất là lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.
Để liên minh “Công - Nông - Trí” ngày càng bền vững, phải phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, trước hết phải đáp ứng hài hòa lợi ích cơ bản của các giai cấp, của nhân dân và của cả dân tộc trong mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh hiện nay, muốn liên minh này phát triển, gắn kết hơn nữa, cần có những giải pháp cụ thể trong thu hút đầu tư cho ngành Khoa học và công nghệ.
Tôi xin nêu một ví dụ về xã hội hóa trong đầu tư cho khoa học và công nghệ: Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã có nhiều quy định liên quan đến công tác xã hội hóa. Cách đây 15 năm, đầu tư cho khoa học công nghệ là 80% của Nhà nước, 20% là ngoài Nhà nước. Để tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi kết nối cung - cầu, nâng cao kiến thức quản lý chất lượng, đào tạo lao động; nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và các tổ chức chuyên ngành khác…
Trân trọng cảm ơn ông!