Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản: Cần nâng quan hệ hợp tác kiểm toán với Việt Nam lên tầm cao mới

Nhân dịp Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, ông Teruhiko Kawato, về sự hợp tác chặt chẽ giữa kiểm toán hai nước và các nỗ lực của hai nước nhằm thúc đẩy các cơ quan kiểm toán châu Á tăng cường kết nối quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, ông Teruhiko Kawato (phải) trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản. 

Phóng viên: Với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban phát triển năng lực ASOSAI, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản đã có nhiều đóng góp và hỗ trợ để các cơ quan kiểm toán (SAI) thành viên ASOSAI tăng cường năng lực và nâng cao vị thế trong khu vực. Với cuộc gặp lần này, xin ông cho biết Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản có dự kiến đề xuất gì để thúc đẩy sự lớn mạnh của ASOSAI? 

Ông Teruhiko Kawato: Đại hội ASOSAI diễn ra theo định kỳ ba năm một lần, Đại hội ASOSAI do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì diễn ra vào tháng 9 năm nay sẽ là đại hội lần thứ 14. ASOSAI là nhằm thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan kiểm toán thành viên thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực giám sát tài chính. Bên cạnh đó, để tăng cường chất lượng của hoạt động kiểm toán, thông qua việc phát triển năng lực của của các kiểm toán viên, hỗ trợ các SAI thành viên là mục tiêu chính của ASOSAI. 

Sự quan tâm của người dân dành cho trách nhiệm giải trình và mức độ hiệu quả của hoạt động hành chính tại mỗi nước đang tăng lên, vì vậy tôi cho rằng vai trò của các cơ quan kiểm toán của mỗi nước ngày càng nâng cao. Chúng tôi mong muốn thực hiện những đóng góp hiệu quả thông qua việc phát triển năng lực của các cơ quan kiểm toán thành viên sau khi tìm hiểu nhu cầu của các thành viên ASOSAI một cách chính xác và kịp thời.  

Phóng viên: Xin ông cho biết vai trò của ASOSAI đối với nền kinh tế khu vực?

Ông Teruhiko Kawato: Để kinh tế phát triển một cách thuận lợi, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hành chính là điều cần thiết không thể thiếu. Chính vì vậy các cơ quan kiểm toán có trách nhiệm gánh vác vai trò quan trọng này. 

Mỗi một quốc gia có một vấn đề khác nhau. Ví dụ đối với Nhật Bản, thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011 tại Đông Bắc Nhật Bản đã khiến cho quá trình tái thiết khu vực này trở thành vấn đề quan trọng. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia thường xuyên gánh chịu những thảm họa thiên nhiên, vì vậy an toàn và yên tâm là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với người dân Nhật Bản. Không chỉ như vậy, Nhật Bản hiện đang đối mặt với tình trạng dân số già, trẻ em ngày một ít đi, dân số suy giảm. Có thể nói tình hình của Nhật Bản ngày nay khác biệt rất lớn với tình trạng của thời kỳ Nhật Bản phát triển kinh tế bùng nổ. 

Tiếp đó an sinh xã hội cũng là một vấn đề lớn tại Nhật Bản ngày nay. Vì vậy, đối với Nhật Bản, chúng tôi cho rằng cơ quan kiểm toán có trách nhiệm rất lớn trong việc xác định vai trò của cơ quan kiểm toán trong các vấn đề đó.  

Tháng 7/2017, chúng tôi đã có chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm đó, chúng tôi nhận thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, với tốc độ phát triển đó, tôi cho rằng phát triển hạ tầng là một lĩnh vực quan trọng của hoạt động kiểm toán. Như tôi đã nói, tùy theo thực tế của mỗi quốc gia mà vấn đề chính sách và vấn đề hành chính có sự khác biệt. 

Mặt khác, vai trò mà các cơ quan kiểm toán đang được yêu cầu đảm nhận, về hành chính là tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nền hành chính của quốc gia nên vận hành như thế nào, được kiểm tra chặt chẽ như thế nào. Đó là vai trò của kiểm toán. Tôi cho rằng đối với vấn đề này thì quốc gia nào cũng giống nhau. Tôi có nói tùy theo mỗi quốc gia mà có sự khác biệt song trong xu thế hành chính được công nghệ thông tin hóa, vấn đề của các quốc gia sẽ có điểm chung. 

Hiện nay, có nhiều quốc gia nảy sinh những vấn đề giống nhau, tôi cho rằng chúng ta cần phối hợp nghiên cứu. Ví dụ, đối với những vấn đề sẽ nảy sinh trong thời gian tới, tôi cho rằng song song với việc phối hợp với Việt Nam, chúng ta tìm kiếm biện pháp để giải quyết các vấn đề là điều quan trọng. Tôi rất vui mừng vì Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản để tăng cường thúc đẩy sự hợp tác giữa hai cơ quan kiểm toán.

Phóng viên: Xin ông cho biết mối quan hệ và sự hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản trong nhiều năm qua, những kết quả nổi bật? Triển vọng hợp tác trong tương lai?

Ông Teruhiko Kawato: Tôi cho rằng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và thân thiết. 

Năm 2017, tôi đã thăm Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Tháng 4 năm nay, chúng tôi vô cùng vinh dự được chào đón đoàn cán bộ cấp cao Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc dẫn đầu. Tôi tin rằng sự giao lưu hợp tác giữa hai bên thông qua việc phát triển năng lực, hoạt động nghiên cứu rất hiệu quả. 

Tôi cho rằng chúng ta cần phát triển mối quan hệ này lên một tầm cao mới. Đại hội ASOSAI lần thứ 14 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới tại Hà Nội. Tôi tin tưởng Việt Nam trong vai trò chủ tịch sẽ tổ chức một đại hội thành công rực rỡ. Kiểm toán Nhật Bản chúng tôi, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban phát triển năng lực, sẽ ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến-Thành Hữu (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Việt Nam và Nhật Bản tăng cường quan hệ hợp tác kiểm toán
Việt Nam và Nhật Bản tăng cường quan hệ hợp tác kiểm toán

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 10/4, Đoàn cán bộ cấp cao Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã có chuyến thăm Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản và gặp Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản Teruhiko Kawato.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN