Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành.
Bày tỏ xúc động khi đến thăm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện (ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ), Chủ tịch Quốc hội mong muốn lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tiếp tục quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo, tiến tới sử dụng những công nghệ, kỹ thuật số trong quản lý để Khu di tích trở thành một "địa chỉ đỏ" tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ của tỉnh Hậu Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ghi sổ lưu niệm tại Khu di tích, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Chiến thắng Chương Thiện năm 1973 là minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn, kịp thời của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tôi mong lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và Ban Quản lý khu di tích quan tâm, nỗ lực hơn nữa để thu hút nhiều hơn du khách, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã trao 20 phần quà tặng gia đình chính sách, người có công với cách mạng và tập thể Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác đã đến thăm Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Ghi sổ lưu niệm tại Di tích, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Đây là nơi ghi dấu thời gian lịch sử của Tỉnh ủy Cần Thơ trong việc triển khai các Nghị quyết quan trọng để đánh bại kế hoạch "bình định nông thôn" và giải phóng tỉnh Cần Thơ, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một thời kỳ mới, mãi là niềm tự hào thôi thúc mỗi người dân Việt Nam phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới".
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã trao 40 phần quà tặng gia đình chính sách, người có công với cách mạng và tập thể Ban Quản lý Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ.
Đại diện 40 gia đình chính sách tiêu biểu của huyện Phụng Hiệp, ông Lê Quốc Dũng xúc động bày tỏ cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã dành các nguồn lực chăm lo toàn diện cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy Phụng Hiệp, các xã trên địa bàn huyện đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo thực hiện các chính sách dành cho người có công với cách mạng, nhờ đó đã hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, gia đình chính sách. Công tác chăm lo an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Cùng ngày, tại huyện Châu Thành, Chủ tịch Quốc hội đã thăm, tặng quà Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ.