Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT Indonesia được thành lập năm 2017, đã từng bước khẳng định vị thế tại thị trường 280 triệu dân, đồng thời trở thành doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất tại đây. Trong nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ cho thị trường, FPT Indonesia đã mang đến những sản phẩm công nghệ mới sáng tạo phục vụ cho các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, ngân hàng, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe…
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đầu tư tại Indonesia. Mặc dù mới thành lập tại nước bạn được 5 năm nhưng doanh nghiệp đã có thu nhập khá và thành lập được mạng lưới kinh doanh. Với sự hiện diện ở 29 quốc gia, FPT đang ngày càng tăng doanh thu và số lao động làm việc ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao cũng như doanh nghiệp hàng đầu của Indonesia, phía bạn rất quan tâm và muốn thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như phối hợp để hình thành chuỗi cung ứng ở những ngành, hàng mới như sản xuất xe điện, viễn thông… Hai bên cũng thống nhất duy trì những chuỗi cung ứng hiện có và phát triển những chuỗi cung ứng mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong điều kiện xu hướng mới của thế giới là thực hiện tái cơ cấu thị trường và các dòng đầu tư, Việt Nam có cơ hội cùng các đối tác thiết lập các chuỗi cung ứng đặc thù. Đối với Indonesia cũng như trên toàn cầu, công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng đang là hai lĩnh vực then chốt. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp cùng đối tác của Indonesia trong lĩnh vực này.
Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 30% GDP vào năm 2030. Chủ tịch Quốc hội cho biết mục tiêu này là thách thức lớn và trong quá trình chuyển đổi số, không thể thực hiện riêng lẻ. Indonesia là nước chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, trong đó có sáng kiến QRcodeASEAN nhằm kết nối các mã QR trong thanh toán giữa các quốc gia trong ASEAN. Chủ tịch Quốc hội gợi mở lãnh đạo công ty FPT nghiên cứu kỹ các khung khổ hợp tác ASEAN trong lĩnh vực chuyển đổi số, để từ đó có thể kết nối trong nước và khu vực ASEAN.
Chia sẻ việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu vào tháng 9 tới với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị FPT tham gia những hoạt động liên quan đến hội nghị như triển lãm quảng bá thành tựu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số.
Hiện Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN, là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 30 trên toàn thế giới. Đầu tư của Việt Nam sang Indonesia còn ít. Là một trong những công ty của Việt Nam tiên phong sang đầu tư tại Indonesia, đã “cắm rễ” trên địa bàn Indonesia, FPT nên là đầu mối trong quảng bá, kết nối doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau, cũng như phối hợp để thực hiện hợp tác trong các chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò của Đại sứ quán Việt Nam, cơ quan thương vụ, đại diện thương mại của Việt Nam tại Indonesia trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, góp phần cùng doanh nghiệp hình thành mạng lưới kết nối trong kinh doanh, cùng liên kết để tạo sức mạnh tập thể.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông báo việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua một số luật phục vụ công cuộc chuyển đổi số như: Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và đang chuẩn bị xem xét, thông qua một số dự luật liên quan khác, trong đó có dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội đề nghị công ty viễn thông góp ý đối với dự thảo luật này, nhất là về phạm vi và mức độ điều chỉnh trong 3 vấn đề mới được bổ sung như: dịch vụ nhắn tin, gọi miễn phí (OTT), điện toán đám mây (Cloud), trung tâm dữ liệu (Data Center).