Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung…cùng tham dự.
Báo cáo tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn thời gian qua.
Nổi bật trong bức tranh tổng thể, Thái Bình hiện đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018; trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,58%, giá trị sản xuất tăng 12,26% so với năm 2017, là năm thứ ba liên tiếp kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số, vượt kế hoạch đề ra và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Thu ngân sách địa phương 10 tháng năm 2018 đạt 12.340 tỷ đồng, vượt 6% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 4.853 tỷ đồng, bằng 76% dự toán; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 30% so với dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn cả năm ước đạt hơn 50,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2017 và cao gấp 2 lần chỉ tiêu kế hoạch...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị mà tỉnh Thái Bình đã đạt được. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng Nông, lâm, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng - Thương mại, dịch vụ tương ứng đạt 25,7% - 36,8% - 37,5%. Thái Bình cũng đạt kết quả tích cực trong việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp với 135 dự án được chấp thuận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; có thêm 830 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới. Hiện Thái Bình đứng thứ hạng trung bình trong thu hút đầu tư (đứng thứ 34/64 tỉnh, thành phố), tăng 6 bậc so với năm 2016.
Là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, dự kiến hết năm 2018, toàn tỉnh có 234 xã (bằng 88%) và 1/7 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch phục vụ nhân dân. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng 2 năm nữa Thái Bình có thể hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cho rằng những kết quả mà Thái Bình đạt được trong những năm qua là đáng mừng, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, Thái Bình cần coi những kết quả tích cực ấy là động lực để tạo đà cho hai năm tiếp theo của nhiệm kỳ đạt thành quả cao hơn.
Đảng bộ tỉnh Thái Bình cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, soi chiếu với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, phân tích rõ những việc đã làm được, chưa làm được để đề ra giải pháp thực hiện trong 2 năm còn lại; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thái Bình tiếp tục sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh cần thu hút; xây dựng khu kinh tế ven biển; triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối hành lang giao thông của các tỉnh ven biển...
Nhắc tới nhiều lợi thế về nông nghiệp của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nông nghiệp của Thái Bình tăng gần 4%, đạt cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời mong Thái Bình với 54 km bờ biển cần tập trung phát triển kinh tế biển, trong đó có đánh bắt, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Nhấn mạnh Thái Bình là địa phương có truyền thống cách mạng, có những đóng góp lớn trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công.
Cùng với đó, Thái Bình cần tiếp tục chỉ đạo phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường chăm lo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng.
Trong công tác quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Bình cần tiếp tục nắm chắc, xử lý nhanh, kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ…
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác cũng đã ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh, trong đó có việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là việc tiếp tục triển thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); việc thực hiện Đề án "Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình", tạo thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, hình thành các quan hệ sản xuất mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân...
*Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã tới dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh; dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).