* Lắng nghe gần 20 ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự biết ơn đội ngũ bác sĩ cán bộ y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã tận tụy một lòng phục vụ, chữa bệnh, chống dịch thành công, cử tri Trần Bá Hà đề nghị Chính phủ và thành phố nên nghiên cứu một cách căn cơ về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế cơ sở để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe lâu dài cho nhân dân.
Cùng chủ đề này, cử tri Phạm Quang Lâm, Phường Đa Kao đề nghị Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, động viên ngành y tế khắc phục khó khăn, tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trao đổi với cử tri về vấn đề y tế cơ sở, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có những chương trình cụ thể củng cố hệ thống y tế đặc biệt này; nhất là về cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ sao cho đảm bảo những phụ cấp cần thiết cho cán bộ, nhân viên y tế. Gợi ý HĐND thành phố có thể thông qua một số chính sách mới để hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ y tế cơ sở, Chủ tịch nước cũng khẳng định tinh thần xử lý nghiêm vi các sai phạm trong ngành y tế và điều này được thể hiện rõ nét qua các vụ việc gần đây, được nhân dân quan tâm, ủng hộ.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã có buổi tiếp xúc 200 cử tri là Ủy viên Ủy ban MTTQ thành phố; các nhân sỹ, trí thức; chức sắc các tôn giáo; người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc; giới văn nghệ sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi tiếp xúc ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân thành phố liên quan đến nhiều vấn đề như: Chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển nền điện ảnh, nghệ thuật nước nhà và những nội dung liên quan đến công tác an sinh, xã hội, những vấn đề còn bức xúc trong đời sống người dân thành phố.
Nhắc đến vụ việc Công ty Việt Á, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đông A, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc hai Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hàng loạt cán bộ bị bắt tạm giam vừa qua được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình và thêm tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và cho thấy không có vùng cấm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Đông A, nhân dân cũng rất lo lắng bởi tác động của vụ việc này đến ngành y. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế không dám mua trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm. Vấn đề xã hội hóa dù đã có quy định nhưng nay không còn phù hợp, không được sửa đổi kịp thời. Do đó rất dễ dẫn đến sai phạm và ai cũng có thể dính đến sai phạm. Hệ quả là bệnh nhân và nhân dân bị chịu thiệt thòi. Giáo sư đề nghị cần sớm thí điểm mô hình quản lý bệnh viện theo phương thức mới đối với các đơn vị tự chủ tài chính, thay vì chỉ có Ban Giám đốc, cần có thêm Hội đồng quản lý gồm các nhà chuyên môn của nhiều lĩnh vực để hạn chế sai sót.
Lo lắng, quan ngại trước vấn nạn cho vay nặng lãi tràn lan, gây nhiều hệ quả xấu trong xã hội, cử tri Huỳnh Văn Minh, Ủy viên MTTQ thành phố cho biết: “Có những vụ gần đây bị phát hiện lãi suất cho vay lên tới 360%/ năm thì làm gì trả nổi”. Cử tri đề nghị Nhà nước cho phép thành lập các tổ chức tín dụng nhân dân cấp phường, xã, thị trấn... theo đó, Nhà nước ban hành các quy định về tổ chức và quản lý về mức lãi suất tối đa, lãi suất theo thỏa thuận giữa người vay và người cho vay để tránh tình trạng “Hụi tự phát” trong nhân dân như hiện nay.
Nêu “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu: “Không nói đến những đối tượng cố tình làm sai để trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị “nhiễm bệnh”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan, tình trạng này còn do quy định của pháp luật đang có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa minh bạch, chưa cá thể hóa trách nhiệm. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, rà soát sửa đổi một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự để giảm áp lực và tránh rủi ro trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay. Cùng với đó là nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng đồng bộ, thống nhất theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị; tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc; bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Cho rằng ý kiến của các cử tri đại diện cho các tầng lớp nhân dân thành phố đã đi thẳng vào những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đang đứng trước thời cơ phát triển mới, mục tiêu mới đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân; trong đó có các nhân sỹ, trí thức, đồng bào các tôn giáo, giới văn nghệ sỹ vì mục tiêu chung phát triển thành phố xứng tầm một thành phố hàng đầu trong khu vực. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn thành phố phải có những chính sách thực sự đột phá, nhất là đối với nhân sĩ, trí thức trên tinh thần cầu thị, chân thành.
Nêu những giải pháp trước mắt nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay của người dân, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư tiêu hao. Không để những vướng mắc về thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cả nước và y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần có những tổng kết, đánh giá và đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài; tiếp tục củng cố năng lực của hệ thống y tế, xác định lại mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân cần củng cố, kể cả bảo đảm y tế dự phòng, nguồn nhân lực y tế, mô hình bác sỹ gia đình; trạm y tế lưu động...
“Phải ngăn sự khủng hoảng của hệ thống y tế thành phố bởi quá nhiều cán bộ y tế bỏ việc và thiếu vật tư y tế; trong trung và dài hạn, chúng ta phải quyết tâm xây dựng nền y tế xã hội chủ nghĩa hiện đại, bền vững và nhân văn”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành giáo dục cần kiểm soát học phí, sách giáo khoa và đảm bảo giảng dạy môn lịch sử một cách phù hợp, hiệu quả. Thành phố cũng cần hỗ trợ tốt hơn người lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động; có biện pháp thu hút lao động trở lại thông qua những chính sách cụ thể liên quan đến thiết chế văn hóa, nhà ở, trường mẫu giáo… Thành phố cũng cần tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, nhất là xử lý tình trạng tắc nghẽn của nhiều dự án, không để chậm trễ. Rà soát điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, kiên quyết thu hồi những dự án treo, quy hoạch treo lãng phí tiềm lực đất đai.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền thành phố có biện pháp củng cố niềm tin, tinh thần và động lực trong hệ thống cán bộ, công chức, để cán bộ yên tâm, dám nghĩ, dám làm, đúng, sai rõ ràng, phát huy trách nhiệm hơn nữa với nhân dân, doanh nghiệp.
Thành phố cũng cần quan tâm hơn nữa đến nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, phát huy khơi dậy mọi nguồn lực phục vụ phát triển, xây dựng một nền nghệ thuật vị nhân sinh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong tình hình mới, tạo sức hút, lan tỏa trong xã hội.
Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, các văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng đoàn kết, nỗ lực tham gia xây dựng, phát triển thành phố ngày càng xứng đáng với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.