Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cần sớm xử lý dứt điểm những cơ sở ô nhiễm môi trường Khẳng định “Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể ví như những u nhọt của môi trường sống”, đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) cho biết: Qua 4 năm thực hiện Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đến ngày 31/12/2017 mới xử lý được 229 cơ sở vi phạm, đạt 62,56% kế hoạch của giai đoạn. Cho rằng kết quả như vậy là khá thấp, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi thêm về trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương để Kế hoạch trên tiếp tục được thực hiện tốt hơn trong giai đoạn sau.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việc xử lý vi phạm gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Theo Bộ trưởng, cơ chế cấp kinh phí là 50 – 50 giữa Trung ương và địa phương, nhưng nhiều địa phương không có nguồn thu, thậm chí chi nhiều hơn thu. Đây là vấn đề đã, đang tồn tại bởi nguồn ngân sách ở mỗi cấp đều có hạn và “Nhà nước phải đầu tư, không tư nhân nào làm việc này cả vì không có lợi nhuận”.
Về vấn đề ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm xử lý cụ thể ở đây là của các địa phương, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm vai trò chủ đạo dẫn dắt của bộ trong giải quyết vấn đề, từ giải pháp đến lộ trình xử lý để các địa phương thực hiện. Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Với tư cách là Bộ trưởng, hiện nay tôi cũng làm hết sức mình, đã thống kê đề xuất các nhu cầu và đề nghị cần sớm đầu tư kinh phí để thực hiện dứt điểm những phần trách nhiệm của Nhà nước trong xử lý các cơ sở ô nhiễm bởi càng làm sớm thì sẽ phòng ngừa và ngăn chặn được ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các công trình công, công trình tư ô nhiễm để có biện pháp xử lý. Cần có chính sách mới, chế tài mới đối với các cơ sở gây ô nhiễm không phải do nguồn gốc đầu tư từ Nhà nước trước đây - Bộ trưởng đề xuất.
Khoanh vùng quản lý những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trả lời chất vấn đại biểu Phan Viết Lượng về nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, có 3 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là nguyên nhân khách quan từ chủ trương thu hút đầu tư, năng lực của các doanh nghiệp, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp. Thứ hai là năng lực kiểm tra, giám sát, kiểm soát các đối tượng cần quản lý của ngành tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý vẫn chưa sẵn sàng các biện pháp phòng ngừa đối với những hành vi như xả thải trộm ra môi trường để thường xuyên có giám sát, kiểm soát; trong khi hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu thực tế đang ngày càng cao.
Phân tích về giải pháp nhằm kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: Cần rút ra bài học từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến khâu phân loại các lĩnh vực đầu tư sản xuất để khoanh lại những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xác định rõ những doanh nghiệp cần quan tâm thường xuyên tập trung để quản lý, không quản lý theo phương thức thiếu rõ ràng như hiện nay.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ quan quản lý cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ, đối với những khu vực khó có thể giám sát thường xuyên phải có hệ thống quan trắc tự động về không khí, nước…. Các hệ thống này sẽ tự động chuyển số liệu đến các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương để giám sát để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.
Về vấn đề thiếu hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ví dụ: “Khi thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi chúng ta về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy”, Bộ trưởng cho rằng hình thức thanh tra hiện nay cũng cần thay đổi, không đơn thuần là thanh tra thường xuyên mà cần thực hiện nhiều hơn những đợt thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần và thực tế công nghệ sản xuất không thể khắc phục được, cần tiến hành yêu cầu đình chỉ hoạt động.