Đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng của SARS-CoV-2, Việt Nam đã triển khai phương châm phòng, chống dịch bệnh mới: "5K+vaccine" và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, "chiến lược vaccine" được xem giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định để thoát khỏi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, Việt Nam đã tích cực tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine với mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021. Cùng với đó, nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước có tính chất chiến lược để chủ động nguồn vaccine tiêm đại trà cho người dân trong những năm tiếp theo.
Tranh thủ mọi nguồn lực để có vaccine sớm nhất
Trước dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SASR-CoV-2, các chuyên gia khuyến cáo, chỉ khi có vaccine hoặc thuốc đặc trị, dịch bệnh mới chính thức được ngăn chặn. Ngay từ tháng 2/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận về chủ trương phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp cận sớm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí, bao phủ trên toàn dân.
Do đó, ngay tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ đầu tiên sau kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trước mắt do nguồn cung vaccine còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ nhằm có vaccine sớm nhất; đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vaccine dịch vụ; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong nhiều tháng qua, Bộ Y tế đã liên tục tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine phòng COVID-19 nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để trong thời gian sớm nhất có vaccine. Bộ Y tế khuyến khích tất cả các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận các nguồn vaccine; sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục nhập khẩu. Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vaccine phòng COVID-19 là Astra Zeneca và Sputnik V; đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại vaccine khác.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên 3 con số mỗi ngày, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19, ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19, những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tinh thần tấn công thần tốc, mạnh mẽ, nhất quán đã gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho ngành Y tế tiếp cận các nguồn vaccine. Cùng với đó, các thủ tục, quy trình về cấp phép lưu hành, kiểm định vaccine phòng COVID-19 được rút gọn tối đa để có vaccine trong thời gian sớm nhất; không để bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức có nguồn mua vaccine ngay mà không mua về được.
Tuy nhiên, cuộc chiến với dịch COVID-19 bằng vaccine phải đi đường dài, phải tiêm chủng cho người dân hàng năm, do đó, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm huy động nguồn lực xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước. Quỹ phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng: "Quỹ vaccine là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa, chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch COVID-19".
Mới đây nhất, tại phiên họp về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, ngày 11/6, Bộ Chính trị kết luận, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine phòng COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine phòng COVID-19 để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân; trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tính đến 16 giờ ngày 11/6, cả nước đã thực hiện tiêm hơn 1,44 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tại các tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 53,1 nghìn người đã được tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, trong thời gian qua, hàng trăm nghìn liều vaccine đã được chuyển đến tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp; qua đó, từng bước bảo vệ sản xuất, duy trì các chuỗi cung ứng.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất vaccine trong nước
Trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên "mặt trận vaccine phòng COVID-19". Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn cần lượng lớn vaccine để tiếp tục tiêm phòng cho nhân dân trong những năm tiếp theo, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần có phương án cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước; đồng thời khẳng định, việc sản xuất được vaccine trong nước vừa góp phần vào phát triển công nghiệp dược của Việt Nam vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất vaccine phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức tìm giải pháp, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiêm đại trà cho nhân dân.
Liên quan đến nhiệm vụ này, ngày 11/6, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc". Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 với quy mô sản xuất của 2 cơ sở đạt từ 30-40 triệu liều/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư.
Cụ thể, vaccine COVIVAC phòng COVID-19 của Việt Nam do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 3/2021 trên 120 tình nguyện viên. Dự kiến, các đơn vị sẽ hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7/2021.
Cùng với đó, Nano Covax là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, chính thức triển khai từ giữa tháng 12/2020.
Sau thời gian nỗ lực triển khai, chiều 11/6, giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax chính thức được các đơn vị triển khai thử nghiệm nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng, với việc thực hiện liều tiêm duy nhất 25mcg. Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất. Đây là những tín hiệu lạc quan về một vaccine phòng ngừa COVID-19 "made in Vietnam" cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước.
Vaccine hiện đang được xem là "vũ khí" hữu hiệu nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Do đó, mục tiêu của Việt Nam phải có được vaccine càng sớm càng tốt, tiêm được nhiều nhất cho người dân một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng, sớm quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu nhân văn đó, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi sự chung tay góp sức, đồng hành của từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và xã hội trong việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới cũng như thúc đẩy nghiên cứu vaccine trong nước để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Với "chiến lược vaccine" đúng đắn, Việt Nam nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế, tận dụng cơ hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.