Tiếp tục Chương trình phiên họp, chiều 12/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.Làm việc về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đối với việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, qua thảo luận đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, dự án Luật được quy định theo hướng công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Về việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, để bảo đảm chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Theo đó, bổ sung quy định công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và việc chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 4 Điều 63) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
|
Thảo luận độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 35), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
Xung quanh hình thức tổ chức Văn phòng công chứng (Điều 22), một số ý kiến đề nghị nên thành lập các Văn phòng công chứng có từ 2 công chứng viên trở lên để bảo đảm duy trì một cách thường xuyên, có hiệu quả hoạt động của các Văn phòng này, đồng thời có sự bổ túc, giám sát lẫn nhau giữa những người cùng hành nghề. Thường trực Ủy ban Pháp luật- cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng có quan điểm đề nghị quy định rõ trong Luật nguyên tắc Văn phòng công chứng phải do ít nhất từ 2 công chứng viên trở lên thành lập; ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có thể cho phép một công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng.
Bàn về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 42), nhiều ý kiến cho rằng việc hình thành tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên ở nước ta là cần thiết để đại diện chính thức cho tiếng nói của toàn thể những người hành nghề công chứng, tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức này.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng dự thảo Luật chỉ nên theo hướng quy định một cách khái quát về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 42), trong đó xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; không quy định chi tiết về thủ tục thành lập cũng như cơ cấu tổ chức của tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương và tại cấp tỉnh. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên khi được thành lập sẽ thực hiện các nhiệm vụ do Điều lệ của tổ chức quy định cũng như các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng do Chính phủ giao (khoản 1 Điều 42) phù hợp với quy mô cũng như năng lực thực tế của tổ chức này trong từng thời kỳ.
Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Quỳnh Hoa