Nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học cùng lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, nhân chứng lịch sử trong chiến thắng Xẻo Rô tham dự hội thảo.
Thời gian đã lùi xa, song chiến thắng Xẻo Rô của quân và dân tỉnh Kiên Giang còn mãi trong lịch sử hào hùng, chiến tranh giải phóng của dân tộc. Đây là trận đánh diệt chi khu quân sự đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, là một trong những chiến thắng mở đầu cho bước ngoặt lịch sử của phong trào chống Mỹ - ngụy ở tỉnh Rạch Giá và miền Tây Nam Bộ.
Chiến thắng Xẻo Rô là ngọn cờ đầu diễn ra vào thời điểm chuẩn bị cho đồng khởi toàn miền Nam, lấy đấu tranh vũ trang làm chỗ dựa cho đấu tranh chính trị, nâng cao uy thế của cách mạng, củng cố niềm tin, cổ vũ khí thế chiến đấu của nhân dân tỉnh Rạch Giá và các tỉnh miền Tây Nam bộ tiến tới đồng khởi miền Nam.
Khái quát về Chiến thắng Xẻo Rô (huyện An Biên, Kiên Giang ngày nay), Đại tá Đàm Kiến Thức - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết: Sau khi nắm chắc tình hình địch, làm tốt công tác chuẩn bị, vào 0 giờ 5 phút ngày 30/10/1959, các mũi vũ trang của ta chiếm lĩnh trận địa, nổ súng tiến công đánh mục tiêu. Ngay những phút đầu, tổ đặc công của ta đã bắt sống tên quận trưởng. Bị đánh bất ngờ, nhiều tên ác ôn bị diệt ngay tại chỗ, binh sĩ còn lại hoang mang nộp súng đầu hàng. Trong vòng 30 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn Chi khu Xẻo Rô.
Trận tiến công của lực lượng vũ trang tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) diệt Chi khu quân sự Xẻo Rô của địch vào đêm 30/10/1959 tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên là trận đánh có tính chất bước ngoặt - trận diệt Chi khu quân sự đầu tiên của địch ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sau chiến thắng Xẻo Rô, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Rạch Giá còn có trận đánh vào Tiểu đoàn Bắc Ái của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thắng lợi ở Chi khu quân sự Xẻo Rô đã tác động tích cực đến phong trào cách mạng ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Liên tiếp các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… đều đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác, khôi phục và phát triển lực lượng cách mạng, trong đó có việc hình thành các lực lượng vũ trang địa phương.
Tại hội thảo, có 40 bài tham luận của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu Trung ương, trường đại học, các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh, các nhân chứng lịch sử, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang được gửi đến.
Các ý kiến tham luận tập trung phân tích, làm rõ các nội dung: Bối cảnh lịch sử và chủ trương chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng trong việc đề ra nhiệm vụ quân sự cho cách mạng miền Nam; sự chủ động, sáng tạo của Tỉnh ủy Rạch Giá lúc bấy giờ và các cấp ủy Đảng trong suốt tiến trình lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân trong kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; đánh giá tầm ảnh hưởng, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa của chiến thắng Xẻo Rô; đúc rút những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng vào quá trình tình hình hiện nay…