Hội thảo khoa học 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng

Chiều 28/12, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019).

Chú thích ảnh
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng như: Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các nhân chứng lịch sử cùng đại diện các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.

Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì và điều hành hội thảo. 

Hội thảo đã thu hút gần 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Sau 21 năm trường kỳ kháng chiến, dân tộc ta đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để có Chiến thắng ngày 30/4/1975, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Nhưng khi cả nước đang tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển đất nước thì tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari được các thế lực bên ngoài giúp sức đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta; đồng thời, thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia. Chỉ trong vòng gần 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần 3 triệu người Campuchia, xoá bỏ hầu hết cơ sở vật chất, xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm hoạ diệt vong.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu chúng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...

Theo Thượng tướng Lê Chiêm: Trước hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, Việt Nam buộc phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng, cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc phản công, tiến công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7/1/1979. Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường.

Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: “Sự giúp đỡ bằng xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc...”. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn, chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Thời gian trôi đi, nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra vẫn khó có thể phai mờ theo thời gian, tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam ngày 7/1/1979 mãi mãi đọng lại trong tâm trí của người dân Việt Nam, Campuchia cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới...

Báo cáo tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhấn mạnh : “Với sự biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Việt Nam, cựu Quốc vương Campuchia Xihanúc đã khẳng định: Nếu Việt Nam không đánh đuổi bọn Pôn Pốt thì tất cả người dân Campuchia có thể đã bị chết... Chúng ta có thể nói rằng, Đảng và Nhân dân Campuchia đã không mắc sai lầm khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer Đỏ, bởi vì chúng ta không được giải phóng khỏi Pôn Pốt thì toàn dân tộc Campuchia có thể đã bị tiêu diệt...”.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định: Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt là chiến thắng lịch sử và nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do, phát triển. Ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia luôn giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn - Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định.
                 
Theo Bộ Quốc phòng, Hội thảo khoa học cấp quốc gia lần này là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, đồng thời cũng là dịp tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sông bình yên cho  hai dân tộc Việt Nam - Campuchia...

Với tinh thần khách quan, khoa học, hội thảo tập trung đánh giá tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tinh thần liên minh đoàn kết chiến đấu của quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Qua hội thảo sẽ đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của hai nước Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới...

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp hồi sinh Campuchia
Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp hồi sinh Campuchia

Sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tất yếu phải diễn ra tại một thời điểm lịch sử, địa chính trị của hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN