Pháo đài bất khả xâm phạm
Trong số những tài liệu được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), có nhiều tài liệu đến nay chưa giải mật, nhiều tài liệu chưa từng được công bố. Lật giở lý lịch hàng binh, chúng tôi nhận thấy, không chỉ có lính Pháp, lính đánh thuê Thái, Lào, châu Phi, mà còn có cả lính Đức với những cái tên như Blun Miefael, Becker Karl Heiuz, Bernhardt Rainer… Họ hầu hết là những công nhân mỏ, mới bước vào lứa tuổi thanh niên, tham gia vào đội quân viễn chinh Pháp với lý do hết sức mơ hồ “aventure” (khám phá vùng đất mới).
Ivan Cadeau, sỹ quan, Tiến sỹ lịch sử công tác tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, viết trong cuốn "Điện Biên Phủ: 13/3-07/5/1954": Quân Pháp, Việt, Lào, Thái, châu Phi, Bắc Phi và lính lê dương hợp thành quân đồn trú tại Điện Biên Phủ, đem đến diện mạo đặc biệt, trung thành với sự đa dạng trong toàn lực lượng viễn chinh. Lính Pháp, tức lính từ chính quốc có mặt trong thung lũng chưa bao giờ chiếm quá 25% tổng quân số.
Nhìn về tương quan lực lượng hai bên vào mùa hè năm 1953, Ivan Cadeau viết, bên cạnh lực lượng chiến đấu - mũi nhọn của quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Giáp còn có trong tay các trung đoàn vùng, quân số của lực lượng này tương đương với các trung đoàn chính quy. Mùa Thu 1953, các ban tham mưu Pháp ước tính, lực lượng chiến đấu của kẻ địch (Việt Minh - PV) là 125.000 quân chính quy, được tăng cường 75.000 quân thuộc các đơn vị khu vực, cộng thêm quân dự bị gồm 150.000 - 200.000 du kích.
Với tổng số 450.000 lính, quân Pháp và đồng minh dường như có chiếm ưu thế về quân số. Chỉ riêng lực lượng viễn chinh đã có 175.000 quân, một nửa trong số đó là lính bản địa người Đông Dương được tuyển mộ vào quân đội Pháp, phần còn lại là lính Pháp, lính châu Phi da đen và lính lê dương. Ngoài ra, lực lượng viễn chinh còn có 55.000 lính bổ sung, chủ yếu là lính Việt Nam, được dùng để hỗ trợ các đơn vị thuộc lực lượng. Với chi phí tuyển mộ thấp hơn so với lính chính quy, họ đi cùng với lính chính quy trong các chiến dịch.
Tuy nhiên, thành phần lực lượng viễn chinh không đồng nhất, các đơn vị bộ binh không đồng đều. Ngoại trừ lính dù và lính lê dương hay lính của các đơn vị thuộc bộ phận cơ động, Navarre (Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương) đánh giá thấp chất lượng của lính bộ thuộc các lực lượng khác. Như những gì ông ta đã nói sau khi rời vị trí chỉ huy, thời điểm đó, “xét về chất lượng, nếu ra lệnh cho bộ binh hỗ trợ pháo binh trong chu vi 10 km và nếu đụng độ với bộ binh Việt Minh, chắc chắn quân Pháp thua”.
Nguyên nhân của sự kém chất lượng là do nhiều yếu tố: chất lượng tồi từ khi tuyển mộ, đào tạo ban đầu không đủ, giám sát kém, không thích ứng với khí hậu Đông Dương, tỷ lệ lính bản địa quá cao trong các đơn vị...
Điện Biên Phủ với rất nhiều người, là pháo đài bất khả xâm phạm. Ở thời điểm tháng 2/1954, theo Ivan Cadeau, lực lượng tác chiến Tây Bắc chiếm tới gần 10% lực lượng lục quân Bắc Việt Nam, số đạn dược cao hơn 20% số lượng tiêu thụ hàng tháng của toàn lực lượng lục quân Bắc Việt Nam, trọng tải đạn dược tại chỗ tương đương 3% tổng dự trữ chính của lực lượng lục quân Bắc Việt Nam. Chính điều này khiến các nhân vật chính trị và quân sự quan trọng của Pháp cũng như của nước ngoài thăm Điện Biên Phủ khi rời khỏi đây đều có cảm giác tin tưởng và an toàn mạnh mẽ, với niềm tin chắc chắn rằng “nếu quân Việt Minh tấn công, họ sẽ bị bẻ gãy răng”.
Trong bài báo có tựa đề “Cuối tuần ở Điện Biên Phủ” đăng trên báo Le Monde của Pháp, phóng viên Robert Guillain viết: “Đó là loại bẫy khổng lồ và phức tạp, đầy rẫy cao điểm, chi chít công sự, được gài mìn, đào hào, chia ô cày nát trên hàng kilômét vuông và có lượng người ở đông hơn tổ kiến… Không gì có thể mọc lên trên bề mặt, ngoại trừ tiêu bản kim loại: dây thép gai. Những dây thép gai xếp thành tầng tầng lớp lớp rộng lớn thành bụi, thành hàng rào song song, hình đê chắn sóng, đẩy lùi quân tấn công về phía các vùng đất trống nơi có các mặt xoay của các lính biệt kích vùi trong đất bắn yểm trợ sát mặt đất”.
Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm
Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng, bị động đối phó.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, “kể từ những ngày lạnh giá năm 1947, các chiến sỹ ta nhiều nơi còn phải chiến đấu bằng mã tấu và những quả lựu đạn lọ mực, hàng chục người uống chung một viên ký-ninh vàng để chống bệnh sốt rét, khi ra đường phải giắt lá ngụy trang đầy người để đồng bào khỏi nhìn thấy quần áo bộ đội quá rách rưới”, đến năm 1953, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Cứ sau mỗi mùa thu, quân dân lên đường đi chiến dịch, cuộc kháng chiến lại tiến thêm những bước mới. Bộ đội ta càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Sang năm thứ tám của cuộc kháng chiến, những triển vọng vô cùng tốt đẹp về thắng lợi đã mở ra trước mắt nhân dân ta… Nhưng cũng vì vậy mà kẻ thù đang tính toán những âm mưu thâm độc mới.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Trung ương Đảng đề ra Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, quyết tâm giữ vững thế chủ động, đánh địch cả chính diện và sau lưng, với phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh chắc thắng” để đánh bại Kế hoạch Navarre của địch. Với tinh thần cả nước ra trận, quân và dân ta đã liên tục tiến công, giáng cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường.
Trước nguy cơ Kế hoạch Navarre bị phá sản, thực dân Pháp gấp rút điều động lực lượng nhảy dù, chiếm Điện Biên Phủ, tập trung quân, xây dựng lòng chảo này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài không thể công phá”, nhằm tạo bàn đạp chiến lược khống chế khu vực Tây Bắc, Thượng Lào và thu hút, “nghiền nát” chủ lực của ta.
Trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ bù nhìn, một mặt tung ra luận điệu hòa bình giả dối, độc lập giả hiệu, và cả những cải cách lừa bịp, hòng làm giảm bớt tinh thần quyết chiến của nhân dân ta. Mặt khác chúng gấp rút tập trung và tăng thêm quân đội và vũ khí để đẩy mạnh chiến tranh hơn nữa. Vậy quân và dân ta phải luôn tỉnh táo, luôn chuẩn bị để đánh tan âm mưu của chúng, đánh tan tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng sợ gian khổ, ảo tưởng hòa bình”.
Người nhấn mạnh rằng, chúng ta bao giờ cũng chủ trương hòa bình. Nhưng chúng ta biết rằng cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ có thắng lợi mới tranh được hòa bình. Chỉ có thống nhất và độc lập thật sự mới có hòa bình.
Và, sau lời kêu gọi ấy, nhân dịp Phái đoàn Chính phủ lên Tây Bắc, ngày 16/9/1953, Người đã viết hai bức thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ và thư gửi cán bộ, đồng bào dân công cầu đường với mong muốn đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau; bộ đội phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân để quét sạch bọn thổ phỉ và mật thám; cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân; cán bộ và anh chị em dân công phải ra sức thực hiện kế hoạch thi đua, có chuẩn bị, có tổ chức, thiết thực và dẻo dai, để đưa chiến dịch cầu đường đến hoàn toàn thắng lợi.
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến tháng 4/1954, “vòng vây càng khép chặt, cuộc chiến đấu càng trở nên căng thẳng. Bộ đội ta ăn, ngủ tại công sự trên trận địa, trong tầm hỏa lực dữ dội của quân địch. Cuộc chiến đấu càng kéo dài, sức khỏe của bộ đội càng suy giảm. Một số hiện tượng không bình thường bắt đầu xuất hiện trong việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu” - hồi tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kịp thời chỉ thị cho các cấp ủy, đảng viên và toàn thể cán bộ phải ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, tới ngày 7/5/1954, ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953- 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo thế mạnh cho phái đoàn ta ở Hội nghị Geneva. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết.
Chia sẻ về những ngày gian khó ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, quyết định táo bạo và khó khăn trong cuộc đời chỉ huy của ông, đó là chuyển phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Ông quyết định “kéo pháo ra” khi mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng, chỉ còn chờ hiệu lệnh tiến công. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn đúng đắn. Tài năng, bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh.
Sống sót sau trận Điện Biên Phủ, Trung tá Marcel Bigeard (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp) rút ra nguyên nhân thất bại của Pháp: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”. “Trong vòng chín năm, tướng Giáp đã đánh bại đạo quân viễn chinh của chúng ta, điều đó không có gì phải bàn cãi”.
Từng rải truyền đơn thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân đọ sức tại Điện Biên Phủ, nhưng cuối cùng tướng De Castries phải thú nhận rằng, tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Không những ông giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương.
“Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”, lời của tướng De Castries.
Về phía Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ thất bại có một vị trí đặc biệt, vừa đẩy nhanh sự chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương, vừa đặt dấu chấm hết cho một đế quốc. Thất bại tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả xâm phạm” ngày 7/5/1954 đã tạo nên cơn chấn động khiến nước Pháp và cả thế giới rung chuyển, đồng thời đánh thức nhận thức của dư luận Pháp. Trong khi cuộc chiến Đông Dương vẫn còn xa lạ với người dân, họ chợt nhận ra rằng, từ 9 năm nay, nước Pháp đã tham chiến ở vùng Viễn Đông và rằng hàng ngàn binh sỹ của họ đã chết ở đó.
Trong cuộc điều trần của tướng De Castries tại Ủy ban điều tra năm 1955, ông nói rằng, tinh thần binh sỹ sa sút nghiêm trọng sau khi Him Lam và Độc Lập thất thủ, nhưng đã được vực dậy từ những đợt tiếp viện đầu tiên trên không. Tinh thần đã bắt đầu suy giảm trở lại khi quân đội nhận ra rằng, máy bay không còn đến tiếp tế được và không còn đạn nữa.
“Báo chí luôn đặt câu hỏi về nguyên nhân thất bại của 17 tiểu đoàn, trong đó có những đơn vị tinh nhuệ thuộc quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông... Việc mất đi 15.000 binh sỹ dưới sự chỉ huy của tướng De Castries đối với người dân Pháp là cú sốc tâm lý xảy ra trong bối cảnh không thuận lợi để tiếp tục cuộc chiến”, theo Ivan Cadeau.
Bài cuối: Từ góc nhìn của học giả quốc tế