Trong bối cảnh ngân sách hiện đang rất khó khăn, mô hình nhà nước chuyển mạnh từ hành chính sang nhà nước phục vụ, thì sự “rút lui vai trò độc quyền” của nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công là cơ hội để tạo dựng một thị trường dịch vụ công hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Theo GS. Adam Fforde (Trung tâm nghiên cứu chiến lược kinh tế, Đại học Victoria Úc) nhận xét: Dịch vụ công thường có nghĩa dùng chung cho rất nhiều người. Ví dụ như về giáo dục, có một trường dạy nghề tư nhân đào tạo cho một người thợ. Người thợ đó sau này ra ngoài đời sẽ là người có ích cho xã hội, chứ không phải chỉ cho riêng cá nhân anh ta. Như vậy, tức là có “tính công”. Việc giải quyết một số vấn đề về dịch vụ công thường hiệu quả khi kết hợp một số yếu tố cùng với nhau, hài hòa về phía các lợi ích, nhóm lợi ích của xã hội. Những yếu tố phát triển dịch vụ công sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Theo TS. Đặng Đức Đạm (nguyên Phó Trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ), việc chuyển đổi dịch vụ công theo hướng phát triển thị trường dịch vụ công với sự tham gia của các thành phần tư nhân sẽ tạo điều kiện giúp Nhà nước tập trung nguồn lực hạn chế của mình vào bốn trụ cột chính, gồm: Quản lý vĩ mô, quản trị các đơn vị công lập, tài trợ những dịch vụ cơ bản, thiết yếu, hỗ trợ các đối tượng chính sách và người yếu thế. Trên cơ sở đó, cần cải cách sáng tạo dịch vụ công dựa trên cơ sở Lý thuyết Quản lý công mới, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế phù hợp cho sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập, đặc biệt các tổ chức không vì lợi nhuận, hoặc dành phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư lại cho xã hội vào cung ứng dịch vụ công và phát triển thị trường dịch vụ công.
Xác định rõ mục tiêu và đối tượng thụ hưởng của chi tiêu công
Các nhà nghiên cứu và phân tích chính sách trong và ngoài nước cũng tập trung xem xét vấn đề đổi mới chi tiêu công hiệu quả và phục vụ tốt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Đổi mới chi tiêu công theo hướng tăng trưởng bền vững cần xác định rõ mục tiêu và đối tượng thụ hưởng của chi tiêu công. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo thực hiện công bằng xã hội và sự tham gia tích cực của người dân (dựa trên cách tiếp cận nghèo mới - đa chiều). Các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đều khẳng định mục tiêu cuối cùng của các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới là giúp góp phần lập tăng trưởng công bằng, bền vững hơn giữa nông thôn với thành thị, giữa miền núi với đồng bằng và giữa các nhóm/cộng đồng dân cư với những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội và bản sắc, phong tục tập quán khác nhau.
TS. Nguyễn Quốc Việt (Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu, rà soát sự phù hợp trong việc chi tiêu trong các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững, trước đây là chương trình xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc. Tôi nghĩ trong quá trình tới đây khi sửa đổi, thiết kế những chương trình mục tiêu quốc gia mà thu gọn lại là hai chương trình mục tiêu gồm chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta cần phải tính đến sự tham gia của người dân, tính đến sự khảo sát, quy hoạch cho mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia sao cho phù hợp nhất với đối tượng, hoàn cảnh và những nhu cầu thực sự của người dân. Tránh tình trạng có những cầu treo dân sinh mà chỉ để phục vụ cho một hoặc hai hộ dân. Hoặc như khi chúng tôi đi khảo sát ở một tỉnh ở vùng Tây Bắc, có những con kênh được đầu tư 10 tỷ đồng nhưng không có nước và người dân trong 3 năm liền cũng không được sử dụng giọt nước nào từ các con kênh này”.
Đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Việt, nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cũng nhấn mạnh tới yếu tố cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của người dân trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Việc tham gia này của người dân vừa giúp giám sát, nâng hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời cũng là động lực giúp người dân nhận thức đúng đắn vai trò chủ thể, năng động, tránh ỷ lại, chủ động đóng góp ý kiến phản hồi, ý tưởng sáng tạo.
Những khuyến nghị đưa ra tại hội thảo được đánh giá là có giá trị trong việc định hình và đổi mới, sáng tạo chức năng vai trò của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công cũng như chi tiêu công để hướng tới một nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, hài hòa giữa công và tư, nông thôn và thành thị, con người với thiên nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, hiện tại với tương lai.