Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin

Ngày 27/3, tại Hà Nội, tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp cùng các đối tác tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin”.

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện đến từ các cơ quan chính phủ cấp Trung ương, địa phương và các tổ chức xã hội đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các thông tin bước đầu về quá trình thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tiếp cận thông tin, ngày 6/4/2016. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua năm 2016 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị về vấn đề này, giao nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tổ chức thực thi Luật hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai thi hành Luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi bộ, ngành địa phương đôn đốc thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ mà Kế hoạch và Chỉ thị mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Trong 2 năm chờ Luật có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp cũng kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật (1/7/2018).

Trình bày Báo cáo nhận xét ban đầu về thực thi Luật Tiếp cận thông tin, bà Ngô Thu Hà, đại diện Oxfam cho biết, kể từ khi Luật được thông qua, nhiều cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin đã công khai đầu mối cung cấp thông tin, quy chế và quy trình cung cấp thông tin, danh mục thông tin phải công khai... Một số địa phương như Hà Giang, Quảng Bình, Thành phố Đà Nẵng... đã ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn.  

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin vẫn còn một số thách thức nhất định. Cụ thể, một số phòng, ban chuyên môn cấp huyện và cấp xã chưa có trang thông tin điện tử, do đó hạn chế việc công khai thông tin cho người dân. Trụ sở và cổng/trang thông tin điện tử của một số cơ quan nhà nước chưa tiếp cận được với người khuyết tật với các dạng, mức độ khuyết tật khác nhau.

Các cơ quan chỉ đang dừng lại ở việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu theo quy định của các luật chuyên ngành đã có trước đây như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoáng sản, Luật Tài Nguyên và Môi trường, mà chưa thực hiện công khai thông tin theo yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên chỉ rõ, việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm. Cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin, do đó khó đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất (máy móc, trang thiết bị, hệ thống mạng Internet) và nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện cung cấp thông tin chưa đồng bộ, có địa bàn (chủ yếu tại cấp xã) chưa kết nối mạng Internet hoặc có kết nối nhưng mạng chưa ổn định, chưa được trang bị các phương tiện hiện đại (máy in, máy photo,...) để phục vụ hoạt động cung cấp thông tin.

Trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nhất định, chưa biết sử dụng các dịch vụ mạng Internet. Do đó, hoạt động cung cấp thông tin qua mạng điện tử tại các địa bàn này sẽ gặp những khó khăn nhất định. 

Từ hạn chế này, các đại biểu đề nghị, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mô hình tổ chức của cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các cơ quan, đơn vị (cụ thể ai sẽ làm cán bộ đầu mối, nhất là ở cấp xã) và các tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này, nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất, đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí người có đủ năng lực, điều kiện làm nhiệm vụ cung cấp thông tin. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh truyền thông Luật Tiếp cận thông tin cho người dân, hướng dẫn thực hành tìm kiếm thông tin được công khai và yêu cầu cung cấp thông tin...

Phan Phương (TTXVN)
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu Luật Tiếp cận thông tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN