Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Đây là đạo luật hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, nhiều đạo luật chuyên ngành khác đã quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin. Người dân cũng cần nhận thức rõ quyền của mình trong tiếp cận thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, nhằm triển khai Luật Tiếp cận thông tin, Bộ Tư pháp với chức năng là cơ quan theo dõi, đôn đốc thi hành Luật đã xây dựng các sổ tay, tài liệu hướng dẫn. Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về nội dung Luật Tiếp cận thông tin. Việc xây dựng tờ rơi, tờ gấp là một trong những biện pháp thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về mục đích, yêu cầu, nội dung các dự thảo tờ rơi, tờ gấp dành cho các đối tượng: trẻ em; sinh viên, người trí thức; tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; người lao động; người nước ngoài; đồng bào dân tộc thiểu số… Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung trong các tờ rơi, tờ gấp cần đơn giản, dễ hiểu; hình thức bắt mắt để phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Ngoài ra, tờ rơi, tờ gấp cho người nước ngoài nên sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để người đọc dễ theo dõi.