Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Hội nghị có sự tham gia của các cán bộ, lãnh đạo đại diện Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và nhiều sở, ngành khác của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình tập huấn sẽ giới thiệu khái quát về Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; việc thực hiện nghĩa vụ xây dựng Báo cáo quốc gia định kỳ trong việc thực thi Công ước. Các đại biểu tham dự cũng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong thực thi Công ước giữa các cơ quan tại địa phương, các tổ chức xã hội có liên quan và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên, kể từ khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977 và gia nhập Công ước ICCPR năm 1982, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Điều này được minh chứng thông qua các công tác như: xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị và Công ước ICCPR ở cấp độ quốc gia…
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong việc tăng cường nhận thức, phổ cập kiến thức về quyền con người, song công tác thúc đẩy việc thực hiện ICCPR nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do nguồn lực hạn chế và nhận thức của cán bộ, công chức, người dân chưa sâu sắc, đầy đủ. Để Công ước được thực hiện hiệu quả, việc tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ thực hiện công tác xây dựng pháp luật, pháp chế có vai trò quan trọng bên cạnh việc khắc phục khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Bà Sabina Stein, Trợ lý Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, cộng đồng quốc tế đã nhấn mạnh và công nhận những nỗ lực, thành tựu đạt được của Việt Nam trong tăng cường công tác giáo dục và thúc đẩy quyền con người thời gian qua. Chương trình tập huấn lần này cũng là một minh chứng rõ rệt cho những nỗ lực của Việt Nam. Các cán bộ tư pháp, báo cáo viên pháp luật tham dự tập huấn giữ một vai trò quan trọng và chiến lược trong việc bảo vệ quyền công dân, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế tại địa phương.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của Liên hợp quốc về vấn đề con người. Đến nay, với sự tham gia của 173/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Công ước này đã trở thành một trong những điều ước quốc tế có số lượng thành viên đông đảo nhất.
Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của cá nhân, ICCPR đã trở thành nền tảng pháp lý cho sự ra đời của các điều ước quốc tế về nhân quyền khác như: Công ước về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục người khác năm 1984; Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về quyền trẻ em năm 1989…