Thưa ông, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng cơ sở Đảng tại Hà Nội đã được nhìn nhận như thế nào?
Từ khi vào tiếp quản Thủ đô 1954, Bác Hồ đã căn dặn Đảng bộ Hà Nội phải đoàn kết vì cán bộ từ nhiều nơi khác về. Nếu để mất đoàn kết sẽ thất bại. Điều thứ hai, Bác Hồ căn dặn là phải gương mẫu vì là Đảng bộ Thủ đô và lớn nhất cả nước.
Từ một Đảng bộ số lượng đảng viên khiêm tốn (từ khi thành lập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới có 50 đảng viên), đến nay Đảng bộ Hà Nội đã có trên 500.000 đảng viên (chiếm khoảng 1/10 đảng viên của toàn Đảng). Đảng bộ Hà Nội đã luôn thực hiện đúng theo lời dạy của Bác.
Trong công tác xây dựng Đảng tại Hà Nội nói chung và cơ sở Đảng tại vùng đô thị nói riêng, vấn đề đáng quan tâm, suy nghĩ là phải xây dựng cơ sở Đảng tại Hà Nội vững mạnh. Nếu ở đâu phát huy được vai trò, vị trí cơ sở Đảng mạnh, giữ vững được hạt nhân chính trị thì ở đó “thuận buồm, xuôi gió”. Nếu các vụ việc phát sinh giải quyết được ngay tại cơ sở thì xã phường, quận, huyện, thành phố sẽ ổn định, phát triển.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách tại một số chi Đảng bộ cơ sở chưa tốt. Nhận thức vấn đề này, năm 2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15 về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém. Thời điểm đó có 200 điểm nóng giảm đã xuống còn 83, và nay con số này chỉ còn 50. Đây là những điểm rất phức tạp. Rõ ràng chi, đảng bộ cơ sở có nhiều vấn đề và phải tìm nguyên nhân giải quyết.
Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Về nguyên nhân, theo tôi tìm hiểu có thể căn cứ vào chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) được công bố hàng năm và Hà Nội đứng ở mức thấp. Chỉ số PAPI có 8 chỉ số thành phần: Nhân dân tham gia chính quyền cơ sở (phát huy dân chủ của người dân); trách nhiệm giải trình, đối thoại chính quyền với nhân dân; công khai, minh bạch; chống tham nhũng, lãng phí; dịch vụ phục vụ y tế; giáo dục; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Trong 8 tiêu chí này chỉ có tiêu chí quản trị điện tử, giáo dục, y tế ở mức khá, còn lại là yếu và rất yếu. Vấn đề này cho thấy hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có cơ sở Đảng chưa được phát huy, nhất là vấn đề như nhân dân tham gia với chính quyền, đối thoại với nhân dân…
Vừa qua, tôi có tham gia giảng bài cho hơn chục lớp là cán bộ phường, xã ở Hà Nội nhưng hỏi cụ thể về chỉ số PAPI thì nhiều cán bộ không nắm vững. Theo tôi, chỉ số PAPI phản ánh sự vào cuộc hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở nên nếu hệ thống chính trị vào cuộc thì vấn đề sẽ được giải quyết. Điều này có thể thấy rõ khi Hà Nội vào cuộc quyết liệt nên đã cải thiện chỉ số nặng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này liên quan đến doanh nghiệp và thời gian qua Hà Nội làm tốt việc đối thoại với doanh nghiệp, hệ thống chính trị, chính quyền vào cuộc đồng bộ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc… thì chỉ số này ghi nhận cải thiện đáng kể.
Vậy ở quận nội thành, việc phát huy vai trò của cơ sở Đảng như thế nào khi mà đảng viên chủ yếu là người cao tuổi, thưa ông?
Ở quận nội thành, tổ chức Đảng ở cơ sở đến 90% là người về hưu, nơi nào khá hơn thì là 80%. Trong khi đó, số lượng đảng viên lại đông. Có chi bộ lên đến hàng trăm người. Do tính chất chi bộ tại các phường là những người cao tuổi, về hưu và không ít người có tâm lý muốn nghỉ ngơi, ngại va chạm nên vấn đề đầu tiên để phát huy vai trò đảng viên tại chi bộ cơ sở là trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt đảng. Điều này khác với đảng viên tại xã, vùng nông thôn là vấn đề dòng họ, thôn nọ - thôn kia.
Thực tế, theo nghiên cứu của tôi thì sinh hoạt Đảng tại phường có không ít đảng viên nghỉ sinh hoạt không có lý do. Nhiều người đi họp không phải từ nội tâm thực sự. Trước hết, đi họp chi bộ là nắm tình hình cơ sở, diễn biến tư tưởng của nhân dân tại phường. Những bức xúc của dân, đảng viên phải nắm bắt để phản ánh với chi bộ và triển khai các kế hoạch của chi bộ. Nếu đi sinh hoạt hời hợt thì không nắm được tình hình cơ sở và giữ vai trò hạt nhân trong xây dựng phong trào.
Bên cạnh đó, đảng viên là cán bộ đang ở tại địa phương cũng phải nêu gương tại cơ sở, tham gia các hoạt động tại địa bàn để tạo dựng phong trào ở cơ sở.
Vấn đề thứ hai với hoạt động Đảng tại khu đô thị là vai trò đảng viên ở các khu chung cư, nhà cao tầng mới thành lập. Thành ủy phải chú ý để có mô hình tổ chức theo kịp với thực tế. Trước đây, có nhiều khu chung cư mọc lên vài năm nhưng không có tổ chức chính trị và không chặt chẽ. Hiện Hà Nội cũng đã quan tấm đến vấn đề này. Bước đầu, Hà Nội rà soát tại các khu đô thị và giao các phường tổ chức thành lập củng cố lại tổ chức đảng tại khu đô thị.
Bên cạnh đó, tại các khu đô thị mới đang nảy sinh vấn đề đảng viên đi từ nơi khác đến và phát huy vai trò đảng viên như thế nào khi hộ khẩu một nơi và ở một nơi. Đây cũng là vấn đề Hà Nội cần nghiên cứu giải quyết.
Ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng có thể dùng thẻ đảng viên để báo cáo với chi bộ nơi đến ở mới để tham gia sinh hoạt trong khi chưa làm các thủ tục chuyển hộ khẩu. Phát thẻ đảng viên chính là một giải pháp hỗ trợ đảng viên sinh hoạt nơi ở mới và đáp ứng sự biến động dân cư như hiện nay.
Hà Nội đang tiến hành triển khai sát nhập tổ dân phố và sắp xếp lại chi bộ theo Đề án 21 của Thành ủy. Ông đánh giá sao về quá trình triển khai đề án này?
Hướng sát nhập, mở rộng chi bộ tại dân cư đô thị là đúng. Không thể tư duy cũ trong quản lý đô thị hiện đại đang mở rộng. Hướng chung là bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trước kia, khoảng 100 hộ cũng đã thành thập 1 tổ và chi bộ. Nay có thể lên 400-500 hộ mới lập 1 tổ và chi bộ. Do đó, với việc mở rộng địa bàn, dân số đông, các bí thư chi bộ cũng phải rèn luyện tư duy mới khi ứng dụng công nghệ thông tin qua mạng xã hội để truyền đạt thông tin; không nhất thiết phải đi đến từng nhà phát tờ rơi, văn bản như trước nữa.
Bên cạnh đó, các chi bộ cũng đổi mới mô hình, nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình. Khi áp dụng mô hình mới lúc đầu sẽ khó nhưng khi ứng biến tốt sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt.
Thực tế, vai trò của bí thư chi bộ, cấp ủy rất lớn trong gây dựng phong trào. Vậy theo ông, tìm nguồn từ đâu và phát huy như thế nào với đội ngũ cán bộ cơ sở này?
Người đứng đầu chi bộ có dấu ấn lớn. Chi bộ hoạt động hiệu quả trước hết là từ bí thư; tiếp đến là cấp ủy phải có sự năng động sáng tạo.
Tại chi bộ khu dân cư có rất nhiều thành phần khác nhau và có những đảng viên mạnh ở từng lĩnh vực khác nhau. Do đó, mỗi quý tổ chức sinh hoạt chuyên đề, bí thư chi bộ có thể dựa vào những đảng viên có chuyên môn ở từng lĩnh vực phối hợp để tổ chức và tham gia góp ý với những vấn đề sát sườn với đời sống dân cư.
Nâng cao sức chiến đấu của chi bộ thực chất là nâng cao sức chiến đấu của cấp ủy và bí thư chi bộ đó.
Đúng là có thực tế, người nghỉ hưu có tâm trạng muốn nghỉ nhưng vẫn có những người tâm huyết với công tác xã hội, muốn đóng góp. Do đó, Đảng ủy phường phải tìm và vận động, thuyết phục những người có năng lực, tâm huyết tham gia cấp ủy, làm bí thư chi bộ.
Với vùng đô thị, khi đảng viên ý thức, có trách nhiệm trong sinh hoạt Đảng tại chi bộ để từ đó tham gia ý kiến có vai trò quan trọng. Để mọi người tham gia góp ý kiến dân chủ còn phụ thuộc vào tài lãnh đạo, dẫn dắt của bí thư.
Từ khi có quy định đảng viên không được vắng mặt 3 lần không có lý do, các cuộc họp chi bộ lập biên bản số người đến họp và số vắng mặt không lý do thì sinh hoạt Đảng tại chi bộ tại cơ sở đã có chuyển biến rõ nét.
Bên cạnh đó là tỷ lệ đảng viên trẻ tham gia cấp ủy chi bộ, đảng bộ của Hà Nội còn ít. Cho nên, việc giải thể chi bộ văn phòng phường, xã để đưa cán bộ về chi bộ dân cư vừa để trẻ hóa đội ngũ nhưng cũng là để cán bộ cơ sở nắm tình hình và đóng góp cho phong trào tại khu dân cư.
Xin trân trọng cảm ơn ông!