Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề bên ngoài trại giam cho phạm nhân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Thông tin cụ thể về việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong đó trại giam thuộc Bộ Công an hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như tại trại giam. Tổ chức, cá nhân có ngành nghề lao động chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.
Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc: Bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù. Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, được trả công, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đóng tại địa phương, địa bàn. Trong thời gian thực hiện thí điểm, tổ chức hợp tác với trại giam là doanh nghiệp được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập như các trường hợp quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thẩm tra dự án Nghị quyết “Thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Ủy ban Tư pháp (UBTP) nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội...” (Điểm e, khoản 1, Điều 3 Bộ Luật Hình sự năm 2015). Theo đó, chế độ lao động có vai trò rất quan trọng trong giáo dục cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong điều kiện giam giữ số lượng lớn phạm nhân, việc tổ chức lao động còn nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ, phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.
Trong những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm “Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng” (Khoản 8 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019), đặc biệt là việc thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Tuy nhiên, do phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi,... nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân hầu hết không phù hợp với thực tiễn lao động ngoài xã hội. Thực trạng này đã làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.
Từ những lý do nêu trên, UBTP tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Bà Lê Thị Nga cho biết, UBTP cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Trong dự thảo có nêu thu nhập của hoạt động hướng nghiệp dạy nghề được miễn thuế thu nhập. “Cần hiểu rõ ở góc độ miễn thuế ở đây là miễn thuế cho người lao động trong hướng nghiệp dạy nghề chứ không phải miễn thuế cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến.
Tiếp thu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Đối tượng, phạm nhân nào được lao động ngoài trại giam sẽ được quy định rõ trong Nghị quyết. Đối với những tội danh nặng như: Tội chống lại loài người, tội khủng bố, tội chung thân... thì không thể đưa ra ngoài trại giam để lao động được. Những phạm nhân cải tạo tốt, bị mắc những tội không đặc biệt nghiêm trọng, được bình xét bình đẳng trong các phạm nhân với nhau thì được đi lao động ngoài trại giam. “Quyền được đi lao động hoàn thiện mình là quyền con người của phạm nhân”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tham gia dự thảo Nghị quyết từ sớm, hồ sơ trình đủ điều kiện pháp lý để trình tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong tháng 5 tới đây.
Nội dung Chính phủ trình phù hợp với Nghị quyết thứ 14 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sẽ trình ra Quốc hội. Trong dự thảo cũng có nêu sẽ thí điểm 18 mô hình tại các trại giam Bộ Công an, thời gian thí điểm là 5 năm. Trong quá trình tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội “nếu bổ sung được ngành nghề, phạm vi thí điểm thì tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về nguyên tắc phạm vi thí điểm có 4 nguyên tắc, trong đó có quy định cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Các trường hợp phạm nhân không được đưa ra ngoài hướng nghiệp dạy nghề... sẽ phải rà soát kỹ lưỡng.