Buổi tọa đàm góp phần tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa những thành tựu nổi bật của 5 năm thi hành Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng Hình sự được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, với những điểm mới, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam. Đây là chủ đề có ý nghĩa thực tiễn cao, được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia luật học cũng như các cán bộ, giảng viên, sinh viên ngành luật của Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm, lắng nghe, thảo luận và chia sẻ.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo quốc gia với uy tín ngày càng cao trên hệ thống Đại học quốc tế. Những câu hỏi sâu, chuyên nghiệp của các sinh viên đề xuất được trả lời tại buổi tọa đàm phản ánh mối quan tâm của sinh viên hết sức phong phú và trọng tâm. Thông qua câu hỏi, có thể hiểu được sinh viên đang nghĩ và cần những thông tin gì; đồng thời biết được nền tảng kiến thức mà các em đã được trang bị cũng như phản ánh được chất lượng đào tạo của khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trao đổi với sinh viên về những điểm mới của Bộ luật, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Ngoài những nội dung cốt lõi như tăng cường pháp chế và khả năng giám sát của người dân, cơ quan dân cử với hoạt động tư pháp thì vấn đề về quyền con người có nhiều thay đổi. Đặc biệt, lần đầu tiên vấn đề xử lý pháp nhân được đặt ra trong Bộ luật. Bởi thời gian qua, tình trạng công ty, doanh nghiệp, tập đoàn vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Trong khi, Luật cũ chỉ xử phạt cá nhân thì không đủ sức răn đe mà phải xử phạt cả pháp nhân đó; đồng thời tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại nhiều thách thức đối với tiến trình cải cách tư pháp. Vì vậy, các cơ quan tư pháp của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp với mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình cũng đề cập sâu đến vấn đề đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cả về nội dung và hình thức tổ chức phiên tòa. Yêu cầu của Tòa án Nhân dân Tối cao đặt ra với phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là: Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người. Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đổi mới phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa; việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án. Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Các sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt nhiều câu hỏi, trao đổi với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về các vấn đề như: Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với ngành tư pháp; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành tư pháp trong tương lai; xây dựng tòa án điện tử…
Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý có đóng góp và uy tín hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, Khoa Luật đang triển khai đào tạo 3 ngành đào tạo bậc cử nhân; 9 chuyên ngành thạc sĩ, trong đó có 1 chuyên ngành lần đầu tiên được đào tạo ở Việt Nam là chuyên ngành Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng; 1 chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế là chương trình đào tạo hợp tác kinh tế và kinh doanh quốc tế; 6 chuyên ngành tiến sĩ.