Căng thẳng cuộc chiến thương mại Trung Quốc - EU

Cuộc "khẩu chiến" giữa các bộ trưởng thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc xung quanh việc trợ cấp cho sản phẩm công nghệ cao ngày càng thêm căng thẳng, có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại.


 

Trung Quốc từng kiện EU lên WTO vì các tranh cãi liên quan đến thuế quan đánh vào giày dép.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ngày 1/6 đã đề nghị EU hạn chế đưa ra các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhằm vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc để tránh ảnh hưởng đến “quan hệ cùng thắng” giữa hai bên.


Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht ở Brúcxen (Bỉ), ông Trần Đức Minh cho rằng EU nên tránh lạm dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch, đồng thời nhấn mạnh các công ty công nghệ cao của EU đã làm ăn tốt với Trung Quốc trong nhiều năm qua và cả hai bên đã gặt hái những lợi ích kinh tế to lớn từ sự hợp tác này.


Tuyên bố của ông Trần Đức Minh được đưa ra sau khi EU cho biết đang tính đến việc “có những hành động” nhằm vào hai tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei và ZTE, khi cho rằng hai tập đoàn này đã nhận được những “khoản trợ giúp không công bằng” từ nhà nước Trung Quốc.


Trước đó, ông Gucht cho biết cả hai bên đang nỗ lực cùng giải quyết vấn đề, nếu không, sẽ phải đưa ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, sau đó ông Gucht nói rằng ông không có ý định đề cập tới vai trò trọng tài của WTO, mà trong phạm vi quyền hạn của mình, EU có thể áp dụng các công cụ bảo hộ mậu dịch (TDIs) để ngăn chặn những gì mà họ cho là có trợ cấp không công bằng. Theo ông Gucht, nếu áp dụng TDIs, EU sẽ hành động trên cơ sở luật pháp và những chứng cứ rõ ràng.


Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, nhưng lại là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào thị trường châu Âu. Tính đến nay, các nước EU đã đầu tư vào Trung Quốc hơn 80 tỉ USD, trong khi các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào EU khoảng 17 tỉ USD. Tranh cãi giữa hai bên gần đây bắt nguồn từ những cáo buộc rằng Trung Quốc trợ cấp cho các tập đoàn Huawei và ZTE để có thể bán phá giá trước các đối thủ cạnh tranh châu Âu.

 

L.H (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN