Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, tình hình sạt lở đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố, gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của nhân dân trên địa bàn. Thành phố Cần Thơ rất quan tâm phòng, chống sạt lở, đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.
Tuy nhiên, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc. Bốn dự án kè Cần Thơ đề nghị Trung ương hỗ trợ có tổng chiều dài 5.150m; trong đó có ba dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và một dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (sông Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100 - 300 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, những dự án kè trên là những điểm sạt lở trọng điểm bức xúc hiện nay. Ngoài ra, các phương tiện, thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố còn rất hạn chế, chưa đáp ứng cho yêu cầu. Vì vậy, địa phương mong muốn được trang bị thêm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm hai ca nô tìm kiếm cứu nạn công suất lớn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, hằng năm, địa phương đều xảy ra các loại thiên tai như sạt lở bờ sông, lốc xoáy, ngập lụt và sét đánh. Thiệt hại do sạt lở bờ sông và lốc xoáy là chủ yếu, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Từ năm 2010 đến 2021 thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Cần Thơ khoảng 383 tỷ đồng. Khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, Cần Thơ đã nhanh chóng triển khai, thăm hỏi, động viên cứu trợ các gia đình bị nạn. Tính từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền hỗ trợ thiệt hại và khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố hơn 265 tỷ đồng; trong đó, Quỹ phòng, chống thiên tai của Cần Thơ hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, số tiền còn lại được Trung ương hỗ trợ khắc phục sạt lở.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, dông lốc đã làm sập 10 căn nhà; tốc mái, ảnh hưởng 42 căn nhà, ước thiệt hại hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, Cần Thơ đã ghi nhận 9 điểm sạt lở lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần, tổng chiều dài ảnh hưởng của sạt lở 268m, thiệt hại ước tính hơn 2,6 tỷ đồng.
Đề chủ động ứng phó với thiên tai, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông được dự báo sẽ diễn ra rất phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của người dân.
Tại buổi làm việc, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực và chia sẻ những khó khăn trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn Cần Thơ khi thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, thất thường đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống thiên tai.
Ông Võ Thành Thống cho rằng, Cần Thơ cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiệt hại và tập trung phối hợp tốt hơn nữa trong phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, huấn luyện cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả tại chỗ.
Cần Thơ cần quản lý tốt tình trạng dân cư ven sông, xem xét bố trí phương án để di dời người dân ở những khu vực nguy cơ sạt lở để giảm thiểu thiệt hại tài sản, nhất là tính mạng của người dân. Tình trạng này nếu giải quyết được sẽ cải thiện được môi trường, cảnh quan đô thị. Nếu xảy ra sạt lở, sẽ giảm thiểu đến mức tối đa về tài sản, tính mạng của người dân.
Thời gian tới, thành phố Cần Thơ có kế hoạch ứng phó thiên tai mang tính lâu dài, trong đó quan tâm đầu tư xây dựng công trình, dự án phòng chống sạt lở bờ sông, di dời hộ dân sống ven sông, rạch đến nơi ở an toàn, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường sông rạch, chỉnh trang đô thị, đặc biệt hạn chế tình trạng đe dọa tính mạng người dân do sạt lở; lồng ghép các công trình, dự án ứng phó thiên tai trong kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Những kiến nghị của thành phố Cần Thơ được Đoàn công tác ghi nhận để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ thành phố thực hiện những công trình, phần việc ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Đoàn đã đến khảo sát vị trí sạt lở bờ sông Trà Nóc, đoạn qua khu vực 1, phường Trà Nóc.
Điểm sạt lở này dài khoảng 80m, sát vào tường rào nhà dân, chia cắt giao thông qua khu vực. Trên tuyến hiện có 10 hộ dân với 37 người đang sinh sống. UBND phường Trà Nóc đã có báo cáo UBND quận Bình Thủy, Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ xem xét gia cố, khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ nhà cửa của người dân.