Cần thiết thí điểm cơ chế phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 3/11, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm có nhiều điểm nhấn tích cực

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, trong đó có nhiều điểm nhấn. Kinh tế vĩ mô ổn định, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 10 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt, đặc biệt một số địa phương tăng trưởng cao như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... Trong tháng 10, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 2,1%, trong khi trước đó 9 tháng tăng trưởng âm 8%.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục, tính đến ngày 20/10/2017 ước đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tốt, xuất khẩu tăng 22% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 1,2 tỷ USD. Số doanh nghiệp được thành lập mới đạt hơn 105 nghìn doanh nghiệp, số vốn đăng ký tăng hơn 43%. Về du lịch, lượng khách quốc tế đạt 10,4 triệu lượt khách; phấn đấu cả năm đạt 13 triệu lượt khách quốc tế và 70 triệu lượt khách nội địa.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bên cạnh đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 10, Thủ tướng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức: Trong tháng 10, nhiều địa phương chịu thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng; các dịch bệnh, đặc biệt dịch sốt xuất huyết chưa được dập tắt; vấn đề ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, phát hiện hơn 15.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp...

Thủ tướng yêu cầu: Với tinh thần không được chủ quan, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; đạt và vượt 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao.

Về tình hình cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đảm bảo quyền lợi của người dân...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

Cần thiết thí điểm cơ chế phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh

Về vấn đề thí điểm cơ chế phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong phiên họp Chính phủ tháng 10/2017 vừa diễn ra, Chính phủ đã thảo luận về cơ chế thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 này.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc ban hành Nghị quyết về vấn đề này là rất cần thiết. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Thành phố cần có cơ chế thí điểm liên quan đến 4 vấn đề: Quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền; thu nhập của cán bộ công chức thuộc thẩm quyền của thành phố.

"Đây là những nội dung rất lớn. Đặt vấn đề thí điểm cơ chế là do những nội dung đã được các văn bản pháp luật quy định nhưng trong thực tiễn chưa phù hợp thì thống nhất cần có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới. Bên cạnh đó, trong thực tiễn có những yêu cầu cần thiết về cơ chế nhưng chưa có pháp luật quy định nên cần thí điểm", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lý giải nguyên nhân cần có cơ chế thí điểm.

Trong phiên họp Chính phủ, Chính phủ đã bàn nhiều về vấn đề phân quyền, phân cấp, thẩm quyền hành chính của Thành phố... với phương châm để Thành phố chủ động giải quyết những công việc điều hành. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, cùng với những cơ chế thí điểm sẽ tạo điều kiện cho Thành phố phát triển nhanh. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và trình Quốc hội khóa XIV.

Hoàn thiện pháp luật về kê khai tài sản cán bộ, công chức

Về xử lý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ liên quan đến kết luận thanh tra tại Yên Bái, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, Thanh tra Chính phủ ghi nhận bước đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Về tiến độ đối với việc xử lý này, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2017. Trên cơ sở báo cáo này, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kết luận.

Nguồn gốc tài sản, không chỉ riêng vụ việc này, mà Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và pháp luật khác điều chỉnh liên quan đến tài sản của công dân, cá nhân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, cần hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét.

Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Về vấn đề chậm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2020. Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách, lộ trình rõ ràng, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế tiến độ cổ phần hóa còn chậm so với yêu cầu đề ra, việc cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa. Số doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành đang quản lý nhiều doanh nghiệp Nhà nước chiếm cổ phần 100% hoặc cổ phần đa số phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện cổ phần hóa một cách hiệu quả, phải cẩn trọng đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước, vì nếu không có căn cứ vững chắc, chứng cứ pháp lý rõ ràng, dễ gây ra tình trạng đánh giá thấp giá trị cổ phần, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Một mặt phải đẩy nhanh tiến trình này, nhưng mặt khác trong quá trình làm phải hết sức minh bạch, công bằng, đảm bảo không xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Mạng xã hội cần có sự quản lý Nhà nước

Liên quan đến Dự thảo Luật An ninh mạng, đặt ra vấn đề Facebook, Google phải đặt máy chủ ở Việt Nam để có thể kinh doanh, trao đổi bên lề họp báo Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Hiện có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng để nói xấu chế độ, xuyên tạc. Chính vì đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước là rất khó.

"Nội dung này cần phải đặt trong vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, từ đó trong dự thảo, cơ quan chuyên môn quan tâm đến vấn đề phải có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Xuân Tùng - Phan Phương (TTXVN)
Cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh
Cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh

Ngày 26/10, Bộ Tài chính đã làm việc với Thành ủy, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN