Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn trên cơ sở đánh giá tiến độ giải ngân thực tế

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Tạo không gian phát triển mới, động lực mới

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43), Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong hai năm (2022 và 2023) để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của chương trình khoảng 161.848 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.152 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng. Do đó, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình hết sức quan trọng, cấp thiết.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn ngân sách nhà nước được phép phân bổ chi tiết 2.720.000 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỷ đồng). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 2.440.007,683 tỷ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992,317 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án của các bộ, cơ quan, địa phương từ số vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ là 142.992,317 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương còn lại năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ 183,188 tỷ đồng vốn trong nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 4 bộ, cơ quan Trung ương; 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài theo cam kết với nhà tài trợ để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để hỗ trợ. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn ngân sách nhà nước để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, HĐND cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về việc phân bổ vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết 43.

Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết 43 là áp lực rất lớn. Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ hết sức cân nhắc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân hết, không đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 43.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi; đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2024, 2025.

Về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các bộ, địa phương đã chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội. Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội. 

Đa số ý kiến nhất trí trình Quốc hội phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, cân nhắc khả năng giải ngân vốn của chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023; đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, phân bổ vốn sớm để có cơ sở thực hiện, đảm bảo khả năng giải ngân sớm.

Có ý kiến cho rằng, qua thực tế triển khai cho thấy, tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện do chưa đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện. Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn còn thiếu và sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện; có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, đạt hiệu quả thiết thực.

Về việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 chưa được tổng kết, chưa đủ cơ sở để điều chỉnh chính sách. Vì vậy, việc bổ sung cho phép áp dụng cơ chế mới về điều hòa vốn cần gắn với đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Chương trình.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết 43, Luật Đầu tư công và đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc. Trong trường hợp cấp bách cần thiết, cần điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định Nghị quyết 43.

Diệp Trương (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về giữ hay bỏ giá trần vé máy bay nội địa
Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về giữ hay bỏ giá trần vé máy bay nội địa

Trong chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm tại dự thảo luật này là việc nên giữ hay bỏ quy định về khung giá trần vé máy bay?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN