Một trong 4 đối tượng hành hung nhà báo bị Công an huyện Thạnh Hóa mời đến lấy lời khai. Nguồn: sggp.org.vn |
Căn cứ vào nội dung đơn khiếu nại của các phóng viên Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Long An), Nguyễn Thị Mân (báo Long An) và văn bản thông báo kết quả xử lý của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Thạnh Hóa (do 3 phóng viên cung cấp), Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Long An nhận thấy, dù chưa được cấp thẻ Nhà báo song 2 phóng viên Phạm Đức Cảnh và Cao Thị Kim Ngân, hiện là 2 phóng viên chính thức tham gia hoạt động báo chí của Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh.
Việc cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng 3 phóng viên khi tác nghiệp không mặc trang phục, không đeo logo báo, đài là không đảm bảo yếu tố “đang thi hành công vụ” là bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.
Việc tác nghiệp ở Thạnh Hóa của 3 phóng viên là thực hiện theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Máy quay phim của phóng viên có Logo của Đài và có lệnh điều xe chở phóng viên xuống khu vực trên để tác nghiệp. Đây vẫn được xem là hoạt động báo chí của cơ quan báo chí; phóng viên đi tác nghiệp theo yêu cầu của cơ quan, theo đúng các quy định của pháp luật phải được xem là người đi thi hành công vụ, kể cả tác nghiệp ngoài giờ.
Hoạt động tác nghiệp của nhóm nhà báo, phóng viên trong trường hợp này là ở vị trí ngoài Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, không nằm trong khu vực cấm quay phim, chụp ảnh nên phù hợp với quy định của pháp luật, phải được các cơ quan nhà nước bảo hộ.
Cũng theo ông Phạm Văn Dũng, nhóm nhà báo, phóng viên tác nghiệp bên ngoài nhà máy xử lý rác, do đó việc có giấy giới thiệu của cơ quan hay không là không quan trọng. Khi liên hệ trực tiếp làm việc đơn vị cần cung cấp thông tin phóng viên mới cần trình thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu. Tuy nhiên, trong 3 phóng viên cỉ có 1 phóng viên có thẻ Nhà báo.
Không chỉ hành hung 3 phóng viên mà một số đối tượng còn thu giữ trái phép phương tiện tác nghiệp (giật máy quay, rút thẻ nhớ). Do tính đặc thù của nghề mà nhà báo, phóng viên luôn cần được bảo đảm thuận lợi, an toàn trong tác nghiệp, nên tại điều 9, Luật Báo chí 2016, nghiêm cấm: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Long An đề nghị các ngành chức năng xem xét, có ý kiến chỉ đạo làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi ngăn cản, hành hung nhà báo khi đang tác nghiệp; qua đó ngăn ngừa xảy ra các vụ việc tương tự và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho những người làm báo khi đang tác nghiệp.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ 45 ngày 27/9/2017, các phóng viên Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Mận đi xe ô tô của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Long An đến khu vực phía ngoài Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, thuộc ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa để tác nghiệp theo phản ánh của người dân về việc Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường.
Tại đây, Đỗ Văn Tiến (sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) và Phạm Văn Dũng (sinh năm 1956, ngụ huyện Thạnh Hóa) - là người làm thuê cho nhà máy đã dùng tay đánh phóng viên Phạm Đức Cảnh và yêu cầu Cảnh đưa máy quay phim để lấy thẻ nhớ, xóa hình đã quay.
Phóng viên Cảnh không đưa và đã bị Dũng dùng tay kéo sợi dây máy quay phim, do phóng viên Cảnh ôm chặt máy nên dây bị tuột dẫn đến phóng viên Cảnh bị ngã xuống đất.
Sau khi bị đánh, phóng viên Cảnh tháo thẻ nhớ máy quay phim đưa cho Tiến. Ngoài ra, Tiến còn hăm dọa phóng viên Mận, Ngân và yêu cầu đưa điện thoại kiểm tra.