Cần hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và phục vụ tăng trưởng

Chiều 4/1, thảo luận ở tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với chính sách này trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận tại tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của chính sách tài khóa, tiền tệ  để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, việc có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này. Theo Chủ tịch nước, nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chính vì vậy phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát.  

Chủ tịch nước cho rằng, việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này là cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.  

Cũng theo Chủ tịch nước, những hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, để có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Chủ tịch nước đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế. 

Tránh “đứt gãy” ngay cả trong giáo dục

Đại biểu Lê Quân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, việc đưa ra chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết.  

Chương trình đặt ra việc sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để mua máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là rất nhân văn. Song đại biểu Lê Quân cũng chỉ ra rằng, thực tế khi làm giáo dục, nếu sử dụng máy tính bảng thì cần có giải pháp hỗ trợ như hạ tầng viễn thông và nhiều yếu tố khác. Theo đại biểu Lê Quân, Chính phủ nên giao cho địa phương chủ động mua sắm trang thiết bị máy tính sao cho hiệu quả.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu ý kiến.

Đồng tình về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: Đầu tư cho giáo dục thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ phát động có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ học sinh học tập.

“Nhưng nguồn lực của các địa phương hiện đang rất khó khăn, những doanh nghiệp nào đã hứa tài trợ cho chương trình này cần thực hiện lời hứa nghiêm túc để chương trình được triển khai nhanh chóng”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc dạy và học trực tuyến đã khó khăn nhưng nếu không có máy tính, không có sóng điện thoại thì khó khăn lại nhân lên gấp bội, dễ dẫn đến “đứt gãy” ngay cả trong ngành giáo dục. Cho nên nền tàng giáo dục rất quan trọng, nếu thiếu máy móc thì không thể phát triển giáo dục được.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nghề cũng rất cần được quan tâm, bởi làn sóng di dịch lao động ở vùng công nghiệp về quê hiện nay không có nghề nghiệp, việc làm… cho nên việc đào tạo nghề cần thực hiện ngay, nhất là việc dạy nghề ngắn hạn.  Ngoài ra, công tác truyền thông cũng phải coi trọng.

“Cần mở các diễn đàn, hiến kế để nhân dân cả nước biết được về chính sách tài khóa, tiền tệ  để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói. Cần có cổng thông tin giải đáp để các doanh nghiệp hỏi, cơ quan chức năng trả lời để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về chủ trương của nhà nước.

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Quốc hội Pháp thúc đẩy dự luật 'thông hành vaccine'
Quốc hội Pháp thúc đẩy dự luật 'thông hành vaccine'

Các nghị sĩ Pháp ngày 3/1 đã bắt đầu thảo luận dự luật yêu cầu hầu hết người dân phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 để có thể ra, vào khu vực công cộng như quán bar, nhà hàng. cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trên quãng đường dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN