Luật Bảo vệ môi trường đã có cách tiếp cận mới
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 55/2014/QH13 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng một bộ luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới được ban hành trong thời gian qua, giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, ngăn chặn được tình trạng mất cân bằng sinh thái là cần thiết.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành. BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, được tính đến ngay từ quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho đến thiết kế dự án. BVMT phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.
Luật BVMT là luật cơ bản, quy định toàn diện, tổng hợp, thống nhất các nội dung về BVMT, khắc phục sự chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan. Luật BVMT phải tạo được nền tảng pháp lý hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, phù hợp song phải khắc phục được mặt trái của kinh tế thị trường.
Thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước từ mệnh lệnh hành chính rườm rà, phức tạp sang vai trò kiến tạo thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm. Thống nhất quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội, cho biết: Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vì cơ bản đã cụ thể, phân định rõ ràng ranh giới với các luật khác.
“Về nguyên tắc BVMT (Điều 4) có 6 nguyên tắc cơ bản được quy định trong dự thảo Luật, đã thể hiện tương đối đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng về công tác BVMT phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và được cụ thể hóa xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần ngắn gọn, xúc tích, giữ lại những nguyên tắc còn nguyên giá trị của Luật BVMT 2014; đồng thời cân nhắc điều chỉnh một số nguyên tắc vừa được bổ sung, như nguyên tắc “đối tượng được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT” cho phù hợp hơn”, ông Phan Xuân Dũng nói.
Về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học (Mục 4 Chương II), dự thảo Luật quy định về cảnh quan thiên nhiên quan trọng, nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đánh giá tác động đến cảnh quan thiên nhiên quan trọng, bồi hoàn đa dạng sinh học (ĐDSH) của cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần rà soát các quy định này cho phù hợp và thống nhất với quy định của Luật ĐDSH, tránh chồng chéo.
Trong (Mục 1, Chương III) về Quy hoạch bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về nội dung chính, sản phẩm của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bổ sung quy định về phân vùng môi trường làm cơ sở cho quy hoạch BVMT. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất quan điểm cần có sự phân vùng môi trường để làm căn cứ kiểm soát về mặt môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ sở khoa học và thực tiễn của việc quy định phân vùng môi trường, hệ thống phân vùng môi trường, các giải pháp quản lý môi trường đối với từng vùng, tiểu vùng để bảo đảm nguyên tắc đã được Hiến pháp quy định là “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành”, nội dung quy định về Quy hoạch BVMT cho hợp lý hơn, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Cho nên Luật BVMT cần giải quyết những bất cập, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, nhưng nó cũng không được gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. “Cần đánh giá đúng tác động chính sách và cần bổ sung quan điểm thể chế hóa Điều 43 của Hiến pháp: Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành. Cần rà soát để tránh quy định lại những quy định mà các Luât khác đang có hiệu lực”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Tôi quan tâm việc tích hợp các loại giấy phép trong cấp phép BVMT”. Cho nên vấn đề đăng ký môi trường, cấp giấy phép môi trường... thủ tục hành chính có giảm hay không, cần xem xét cụ thể để không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Các ý kiến phát biểu của TVQH đều cho rằng, với tốc độ gia tăng nền kinh tế của nước ta hiện nay, việc tăng phí bảo vệ môi trường là cần thiết nên Luật BVMT sửa đổi lần này cần phải làm rõ.
Cần đánh giá đúng tác động về môi trường
Về đánh giá môi trường chiến lược (Điều 33, Mục 2, Chương III), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với việc tiếp tục thực hiện nội dung đánh giá môi trường chiến lược, được kế thừa từ Luật BVMT năm 2014.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược tại khoản 1 Điều 33 bao gồm cả các dự án luật, pháp lệnh sẽ làm phát sinh thủ tục và chi phí để thực hiện trong khi bản thân các đối tượng này không gây tác động xấu cho môi trường, mà chỉ có đối tượng thụ hưởng, thực thi các quy định, chính sách mới có khả năng gây ra tác động xấu đến môi trường, nhưng cũng đã có các công cụ để ngăn ngừa như tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường (GPMT)...
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ hơn việc quy định thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với các đối tượng này để điều chỉnh cho phù hợp.
Về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường (Chương IV), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đánh giá cao với nhiều đổi mới trong dự thảo Luật, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, dự thảo Luật căn cứ vào quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án đầu tư thực hiện thủ tục môi trường, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá ĐTM, bỏ quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM và thay vào đó quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, cấp giấy phép liên quan; bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch BVMT; tích hợp 6 loại giấy phép khác nhau theo quy định tại Luật BVMT hiện hành, Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi vào GPMT; phân cấp thẩm quyền cấp GPMT cho cấp huyện và tiếp nhận đăng ký môi trường cho cấp xã.
Tuy nhiên, việc dự thảo Luật quy định về ĐTM, GPMT trên cơ sở tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận liên quan BVMT là nội dung mới được sửa đổi vẫn còn ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu thấu đáo hơn; rà soát, sửa đổi bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về thanh tra, đầu tư, xây dựng.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Khi Luật này được sửa đổi đã làm sáng rõ việc nhận thức của toàn xã hội, để đất nước phát triển bền vững.
“Khi nói về môi trường phải hiểu rõ nó rất đắt tiền chữ không rẻ tiền, bởi nếu phát triển nóng không coi trọng về BVMT thì phải trả giá rất đắt về ô nhiễm môi trường. Cho nên, vấn đề phát triển kinh tế phải đi liền với BVMT”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến.
Phân tích thêm về dự thảo Luật BVMT, ông Phan Thanh Bình cho rằng, trong dự thảo Luật vẫn nặng về quản lý môi trường. Làm môi trường thì đi đầu phải là nhận thức của con người vàcủa toàn xã hội.
“Luật của chúng ta phải làm toàn diện từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn nước phải đưa vào là một trong những trọng tâm trong Luật BVMT. Hiện nay nguồn nước của chúng ta đang có vấn đề, ở những vùng gọi là vùng sông nước nhưng bây giờ lại khủng hoảng về nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến phát biểu tại Phiên họp cùng chung quan điểm, chúng ta cần nêu cáo tính giáo dục, tuyên truyền về BVMT, phân loại rác thải từ cơ sở, từ gốc; phân loại rác ngay từ gia đình; vấn đề tiết kiệm nặng lượng; phát triển kinh tế xanh gắn liền với BVMT bền vững.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Gần đây đã có những vụ việc, sự cố về vấn đề môi trường lớn ở nước ta. “Vẫn còn những bất cập trong việc thực thi Luật BVMT, chưa làm rạch ròi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng và người dân. Luật chủ yếu nặng về trách nhiệm nhà nước mà chưa coi trọng trách nhiệm của cộng đồng, người dân. Ta cần nhìn nhận đúng đắn về an ninh nguồn nước, trong đó có cả tính cộng đồng quốc tế về trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến.
Liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường, tính pháp lý, tính chịu trách nhiệm của các thành viên đánh giá tác động môi trường và kết luận về tác động môi trường chưa rõ, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: Cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thể về BVMT, từ nhà nước, chủ thể gây ra việc xả thải, người dân gây ô nhiễm môi trường... sẽ xử lý như thế nào. “Chưa có cá nhân nào bị chịu trách nhiệm trong việc xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Cần nâng mức xử phạt để mang tính răn đe. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì gây ra ô nhiễm môi trường cũng cần phải được làm rõ”, Trưởng Ban Dân nguyện nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Có nên mở rộng ra những chủ thể gây ô nhiễm môi trường sẽ bị khởi kiện nếu làm thiệt hại cho người dân, xã hội. Thực tế cho thấy, người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường khó chứng minh, khó khởi kiện những tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Cho nên cần có cơ quan quản lý giám sát, xử phạt các đối tượng xả thải gây ô nhiễm ra môi trường.
Nói về quy định trong việc xử phạt, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Việc giao cho các cán bộ cấp xã xử phạt vi phạm hành chính những đối tượng gây ô nhiễm môi trường là không ổn. Và kinh phí thu được trong việc xử phạt hành chính sử dụng như thế nào? Đây là vấn đề cần thận trọng khi đặt ra quy định mới.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Việc ban hành Luật BVMT và sửa đổi Luật phải phù hợp với tình hình mới, đây là vấn đề rất quan trọng. Việc sửa đổi Luật là cần thiết để đáp ứng với tình hình mới. Trong số 13 nhóm vấn đề mà dự thảo Luật đưa ra, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để đảm bảo phù hợp với các Luật khác hiện đang có giá trị thực thi. Tránh để tạo ra sự xung đột giữa dự án Luật này với các Luật khác, nhất là những Luật chuyên ngành đang được Quốc hội cho ý kiến sửa đổi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Cần rà soát lại tính cụ thể, tính khả thi của dự án Luật. Tiếp tục rà soát lại những vấn đề đã được TVQH cho ý kiến, khái niệm giải thích từ ngữ phải rõ ràng liên quan đến công tác BVMT, liên quan đến việc cấp giấy phép môi trường làm sao không tạo ra rườm rà trong việc thủ tục hành chính.