Tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết, theo kế hoạch, hệ thống Mặt trận cấp thành phố, quận, huyện sẽ tổ chức ít nhất 1 hội nghị để lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến góp ý là quan trọng bởi Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố mong muốn các đại biểu bày tỏ quan điểm của mình đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, gửi về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố để có ý kiến trong kỳ họp tới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý vào 9 vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, về cơ sở dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát các quyền lực; Hộ sử dụng đất.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ: Luật Đất đai là luật quan trọng có tác động đến mọi mặt đời sống cả về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh… Qua nghiên cứu về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cho thấy có rất nhiều điểm đã được đổi mới.
Cụ thể như, dự thảo Luật đã bỏ quy định về tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng hoặc nhận, cho, tặng quyền sử dụng đất trên đất lúa. Đây là những điểm mới quan trọng, đã tháo gỡ được khó khăn, bức xúc của người dân từ trước đến nay. Dự thảo Luật lần này cũng có quy định rõ hơn về việc bỏ đối tượng là gia đình bởi trước đây việc cấp giấy chứng nhận cho đối tượng này hết sức phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Theo bà Dương Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Cần Thơ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tại Điều 21 “Nội dung quản lý về đất đai”, vấn đề phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực được đề cập trong 18 điểm của dự thảo. Tuy nhiên, quy định này cần nêu rõ: những vấn đề nào phải quản lý theo lãnh thổ, ngành; vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, địa phương cũng như cái nào cả Trung ương và địa phương cùng thực hiện.
Về thẩm quyền phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch, dự thảo Luật lần này quy định nhiều nội dung khá cụ thể. Tuy nhiên, tại Điều 71 nêu những căn cứ để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cụ thể. Đây là kẽ hở dẫn đến tiêu cực khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, nên cần bổ sung quy định cụ thể hơn, kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất, gắn với không gian, phân vùng, hệ sinh thái tự nhiên.
Về vấn đề “Đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất”, Dự thảo lần này đã thay đổi cách tiếp cận về nội dung trên. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần đánh giá cụ thể về sự phù hợp, đảm bảo minh bạch và tính khả thi của quy định này; đồng thời nghiên cứu quy định nội dung theo hướng xác định dự án thuộc phạm vi đấu thầu…
Theo Hòa thượng Đào Như, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về vấn đề đất đai, Nhà nước cần quan tâm đến việc triển khai bình đẳng, công bằng, dân chủ; có chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer. Hòa thượng rất đồng tình với việc dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…