Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ VHTT&DL. Ảnh: chinhphu.vn |
Vấn đề này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng 14/2.
Nhiều lễ hội biến tướng, tạo lợi ích nhómTheo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vừa qua có những việc người dân không đồng tình, có những hoạt động lễ hội biến tướng, lợi dụng cơ chế thị trường, tạo ra lợi ích nhóm, thu gom tiền không đúng theo hướng thương mại, trục lợi. Một số lễ hội có tổ chức quy mô lớn, thời gian kéo dài nhưng lại manh mún, thiếu sự điều hành thống nhất của địa phương, can thiệp vào hoạt động chung của quản lý nhà nước đối với Bộ.
Các hoạt động lễ hội và công tác quản lý lễ hội hiện đang là vấn đề nóng, nhưng Bộ chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chính vì vậy, Tổ công tác lựa chọn Bộ này để kiểm tra ngay sau Tết Nguyên đán.
Giải trình về vấn đề này, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương về chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội và lễ kỷ niệm.
Trong mùa lễ hội năm 2017, Cục phối hợp với các cơ quan tổ chức đoàn kiểm tra theo dõi các lễ hội quy mô lớn, điều chỉnh các hình thức tổ chức, nhất là các hiện tượng văn hóa phản cảm, vì vậy những hành vi bạo lực, phản cảm năm nay cơ bản được điều chỉnh như làng Ném Thượng (Bắc Ninh) không còn chém lợn giữa sân đình, đền Đông Cuông (Yên Bái) không còn treo trâu cho đến chết…
Tuy nhiên, một số địa phương không thực hiện nghiêm, để xảy ra hiện tượng phản cảm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cơ quan liên quan có biện pháp chấn chỉnh.
Thanh tra Bộ cho rằng, lễ hội gắn với kinh tế, do vậy, việc quản lý là rất khó khăn, vì nguồn thu lớn. Việc không tổ chức các lễ hội phản cảm cũng vô cùng khó.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận định, năm nay, số lễ hội phản cảm đã ít hơn.
Trật tự an ninh địa phương được thực hiện khá tốt. Bộ chủ trương đề nghị các địa phương không tổ chức các lễ hội phản cảm nhưng địa phương phản ứng vì đây là vấn đề văn hóa, tín ngưỡng. Bộ phải mời nhà nghiên cứu vào và làm việc cụ thể với lãnh đạo huyện, già làng trưởng bản để cộng đồng tự điều chỉnh nhưng đây vẫn là vấn đề phức tạp.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, với lễ hội, Bộ đã lường trước sẽ có vấn đề, ngay sau các lễ hội lớn, các lễ hội có hiện tượng phản cảm, Bộ đã làm việc với địa phương. Bộ sẽ thực hiện sơ kết bước đầu việc tổ chức lễ hội từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đánh giá các tồn tại, hạn chế và có văn bản tham mưu chính thức lên Thủ tướng Chính phủ.
“Tổ chức lễ hội và người tham gia lễ hội là vấn đề lâu dài, có biện pháp khắc phục để năm sau tốt hơn năm trước, không thể nói năm sau không còn tồn tại”, Bộ trưởng Thiện thẳng thắn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã đề cập đến chỉ đạo của Thủ tướng là ra quân làm việc ngay từ ngày đầu, giờ đầu, không được sử dụng xe công, giờ hành chính đi lễ hội. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Ông đặt vấn đề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Thủ tướng kiểm tra các hoạt động lễ hội, các quy định của Chính phủ, việc kiểm tra của Bộ về công tác quản lý nhà nước để báo cáo tình hình lên Chính phủ như thế nào, trước những tồn tại như thế, Bộ có báo cáo tổng hợp không? Với chỉ đạo này của Thủ tướng, cơ quan quản lý nhà nước phải có báo cáo tình hình.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận Bộ không thể thống kê xe công và cán bộ đi lễ trong giờ hành chính, còn Thanh tra Bộ cho rằng việc nắm tình hình cán bộ, công chức đi lễ hội là vượt quá thẩm quyền.
Còn hiện tượng phản cảm trong lĩnh vực du lịch
Cùng với công tác quản lý nhà nước về lễ hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan đến 4 vấn đề thuộc công tác quản lý nhà nước của Bộ, đó là lĩnh vực du lịch; thể thao và gia đình; bảo tồn di tích, trang trí cảnh quan và công tác nghệ thuật biểu diễn.
Về du lịch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đến ý kiến của Thủ tướng về vấn đề khách không quay trở lại, đặc biệt là hiện tượng mà ông cho là rất phản cảm, đó là việc có nơi không tiếp nhận khách Trung Quốc. “Điều này không thể chấp nhận trong thời hội nhập”, Bộ trưởng nêu rõ. Ông cho rằng là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải lên tiếng.
Bộ trưởng Dũng đề cập đến việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị du lịch toàn quốc tại Hội An tháng 8/2016, vấn đề sản phẩm du lịch, du lịch nông thôn, chất lượng hạ tầng du lịch, hướng dẫn viên, chất lượng dịch vụ, hiện tượng khách đến không quay trở lại, với yêu cầu cần có sự quan tâm đào tạo, quản lý, hướng dẫn, đặc biệt là cần có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, tránh “chặt chém” khách du lịch, bởi như vậy không thể có chất lượng du lịch tốt, có tăng trưởng du lịch, không thể đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ sẽ triển khai nghị quyết này trong toàn thể cán bộ chủ chốt của Tổng cục, chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Hội nghị du lịch toàn quốc, nâng cao chất lượng hình ảnh của du lịch Việt Nam, chấn chỉnh các hiện tượng chặt chém, mất vệ sinh an toàn, việc khách không quay trở lại.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khắc phục trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước.
4 nhiệm vụ quá hạn
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ 1/1/2016 đến 10/2/2017, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 282 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 158 nhiệm vụ. Trong 124 nhiệm vụ đang thực hiện, có 4 nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành.
Nguyên nhân chưa hoàn thành được Bộ này giải thích là do một số nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành khác cùng thực hiện nên không thể hoàn thành đúng thời hạn do phải chờ ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ chỉ là cơ quan kiến nghị sửa đổi. Vì vậy, không thể chủ động hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn được giao nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.
Một số văn bản giao nhiệm vụ có thời hạn quá gấp, khi về đến Bộ không còn nhiều thời gian để triển khai nên không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ sớm hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn, quan tâm xây dựng thể chế, tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về công tác quản lý lễ hội.