Cần bảo đảm mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, chiều 23/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chiều 23/7. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trình bày Tờ trình tóm tắt đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chương trình chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn; các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình. Ủy ban thấy rằng, một số dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư. Việc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững có thể làm cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả, chậm đạt mục tiêu.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chiều 23/7. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ủy ban cho rằng, hiện chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ủy ban đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện; bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể; đảm bảo không có sự trùng lặp cũng như bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, theo ý kiến một số đại biểu, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững.

Theo đại biểu Đỗ Đức Duy (Yên Bái), tại khu vực miền núi, vùng cao, nhất là những nơi tỷ lệ che phủ rừng lớn và sinh kế của bà con chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng nên việc thoát nghèo phụ thuộc vào chính sách khoán bảo vệ và phát triển rừng. Với định mức hiện nay thì mỗi một ha đất rừng được giao khoán là 400.000 đồng đến 800.000 đồng/năm. “Trong khi ở vùng cao, mỗi hộ có từ 4 - 5 nhân khẩu, thậm chí nhiều hơn. Nếu giao, nhận 10 ha đất rừng một năm thì mỗi hộ được 8 triệu đồng. Rất khó để thoát nghèo!” - đại biểu phân tích.

Đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, cần phải rà soát chính xác các chính sách, nhất là liên quan đến giảm nghèo ở những địa bàn mà khả năng cải thiện sinh kế khó khăn, điều kiện sinh kế của người dân chỉ phụ thuộc vào một nguồn nhất định. “Như nhiều ý kiến đại biểu khác, chúng tôi rất mong muốn và kiến nghị với Chính phủ sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư thì đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và có thể ban hành trong năm 2021 để sớm triển khai. Các ban, ngành cũng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chí, định mức phân bổ, phương thức huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện”, đại biểu Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Thông cáo báo chí số 03 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 03 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ Năm, ngày 22/7/2021, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ ba tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN